Có được kết quả này, đồng chí PhạmThị Hồng, Giám đốc Sở Công thương Ninh Bình cho biết: Mấy năm nay, các chính sách của tỉnh và doanh nghiệp chú trọng đầu tư mạnh cho may mặc. Lĩnh vực may mặc, hiện có mặt ở hầu hết các Cụm, Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhờ nguồn vốn kích cầu, tháo gỡ nguồn vốn, lãi suất ưu đãi, lĩnh vực may mặc có mặt tới nhiều xã. Điều này khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, nhất là các làng nghề và ngành nghề truyền thống, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở Ninh Bình.
Có thể kể ra những Doanh nghiệp đang tham gia trong lĩnh vực may mặc, có kết quả tăng trưởng 10 tháng qua. Điển hình như Công ty TNHH may Great Global (KCN Gián Khẩu) đạt gần 15 triệu USD (tăng gấp 6 so với kế hoạch năm); Công ty may Vạn Xuân (Hoa Lư) đạt trên 3,7 triệu, trong khi kế hoạch năm là 3,8 triệu. Ngoài ra còn có Công ty XNK thêu reu Đông Thành (Tp. Ninh Bình), Doanh nghiệp Văn Phú, Doanh nghiệp Thăng Long (Nho Quan)…
Cũng theo đồng chí Phạm Thị Hồng, nước ta gia nhập WTO, luôn nắm bắt những cơ hội mới, ví như những thuận lợi được cởi trói về mặt cơ chế từ khi có Hiệp định thương mại Việt- Mỹ, các cơ sở có điều kiện cơ cấu lại lao động, đưa nhà máy, cơ sở vật chất về tỉnh, huyện và các xã…nên xuất khẩu hàng vào thị trường Mỹ khá suôn sẻ, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Các mặt hàng góp phần đẩy giá trị xuất khẩu tăng cao phải kể đến: Nước dứa cô đặc, đạt 1.593 tấn, gấp hơn 5 lần; sản phẩm cói đạt 472 nghìn sản phẩm, tăng 29 lần, quần áo may sẵn 6.207 nghìn chiếc, gấp 2,4 lần… Tuy nhiên, có một số mặt hàng giảm sút, như: Hàng thêu giảm 28 %, thảm cói giảm 30%. Đây cũng là bài toán không dễ giải ở Ninh Bình, vốn được biết đến với nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như cói bèo, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ… Theo anh Phạm Văn Khuyến, Giám đốc Doanh nghiệp cói xuất khẩu Thành Hóa (Yên Khánh) và chị Hồng Yến, Giám đốc Doanh nghiệp thêu Minh Trang (Hoa Lư), những mặt hàng thêu, cói hầu hết được tiêu thụ tại các thị trường nước ngoài dưới hình thức xuất khẩu ủy thác bởi các Doanh nghiệp trung gian của các tỉnh lân cận. Thời gian qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, những mặt hàng truyền thống chủ lực này của Ninh Bình đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường.
Có cơ chế, chính sách, các doanh nghiệp và người lao động trong tỉnh ngày càng được mở rộng, các ngành nghề truyền thống của Ninh Bình đã trụ vững và có những bước phát triển mới, hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu không chỉ ở mức tăng trưởng, mà còn tính đến sự bền vững.
Nguyễn Minh