Tín hiệu đáng mừng từ mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng dưa vân lưới xanh
Chủ Nhật, 18/09/2022, 08:16
Zalo
Với kinh nghiệm làm nông nghiệp lâu năm, năm 2022 với sự hỗ trợ của UBND huyện Yên Mô, anh Nguyễn Văn Quyên ở xã Yên Phong đã mạnh dạn đầu tư trồng dưa vân lưới xanh trong nhà màng, kết hợp với tưới tiết kiệm. Hiện nay cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và mở ra hướng đi đầy tiềm năng cho người dân khu vực nông thôn.
Tín hiệu đáng mừng từ mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng dưa vân lưới xanh
Chúng tôi tới thăm mô hình trồng dưa vân lưới xanh của gia đình anh Quyên trong điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi, mưa lớn kéo dài, nhiều địa phương trong tỉnh bị ngập úng cục bộ. Tuy nhiên bù lại những khó khăn, vất vả trong quá trình di chuyển, chúng tôi được thực địa mô hình nông nghiệp khá quy mô, bài bản với hệ thống nhà màng kiên cố, chắc chắn, hệ thống tưới tiết kiệm trải dài và những luống dưa xanh tốt đang có những quả bói đầu tiên, hứa hẹn sẽ mang lại một vụ dưa thắng lợi.
Đón chúng tôi, anh Quyên vui vẻ kể: Xuất thân từ một gia đình thuần nông nên từ nhỏ anh đã thấu hiểu những vất vả của người nông dân với phương thức canh tác truyền thống. Do vậy, sau khi lập gia đình, anh đã mạnh dạn đấu thầu đất để trồng các loại cây ăn quả khác nhau theo phương thức canh tác tiên tiến kết hợp với sản xuất các loại nấm ăn, mang lại hiệu quả tương đối tốt.
Với mong muốn đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa có giá trị, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đầu năm 2022 anh có ý định chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đúng lúc này, UBND huyện Yên Mô triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025 và anh Quyên đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội. Trên diện tích 5 ha đã đấu thầu, anh mạnh dạn quy hoạch và đầu tư xây dựng 2 nhà màng (mỗi nhà có diện tích 1.000m2) để trồng chuyên canh giống dưa mới đó là dưa vân lưới xanh.
Anh Quyên cho biết, bắt đầu từ trung tuần tháng 5, anh hợp đồng với Công ty chuyên lắp đặt ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội để triển khai lắp đặt 2 nhà màng cùng hệ thống tưới tiết kiệm, điều khiển tưới nước, phân bón tự động trên điện thoại thông minh. Chi phí ban đầu cho 1 nhà màng có diện tích 1.000m2 là 750 triệu đồng. Trong đó ngân sách huyện hỗ trợ là 40% chi phí lắp đặt nhà màng, tương đương 300 triệu/nhà màng. Sau khi hoàn thành nhà màng, anh đưa giống dưa vân lưới xanh vào trồng với mật độ 2.500 cây/1.000 m2, mỗi cây dưa được trồng riêng trong từng chậu với giá thể đã qua xử lý đặt trên mặt đất có bạt lót vệ sinh môi trường.
Anh Quyên (ngoài cùng bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dưa vân lưới xanh.
Để cây dưa lưới phát triển đồng đều, nguồn nước, phân bón đều được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc dưa, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Vào thời điểm dưa lưới đơm hoa, gia đình anh Quyên đã tiến hành thụ phấn bằng tay cho hoa cái trong khoảng 1 tuần, mỗi cây thụ phấn cho khoảng 3 hoa. Sau khi thụ phấn mỗi cây chỉ giữ lại một quả để nuôi và thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để cây tập trung chất dinh dưỡng vào nuôi quả cũng như phòng tránh dịch bệnh.
Cũng theo anh Quyên, công nghệ nhà màng giúp che chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập nên dưa lớn nhanh, giúp quả có vân lưới đẹp, độ lớn đồng đều, có thể trồng quanh năm mà không sợ mưa hay yếu tố bất lợi của thời tiết. Đồng thời trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp tiết kiệm được nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và ít sử dụng nhân công, giúp tiết giảm được chi phí. Toàn bộ diện tích dưa vân lưới xanh được gia đình anh sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ chăm sóc nên sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.
Dưa vân lưới xanh từ lúc trồng đến khi quả đạt trọng lượng từ 1,2 - 1,4 kg sẽ bắt đầu thu hoạch, tỷ lệ cây cho thu hoạch đạt 90%. Như vậy mỗi 1 nhà màng 1.000m2 sẽ cho thu hoạch khoảng 3 tấn quả/vụ, với giá bán bình quân 40 nghìn đồng/kg, dự kiến doanh thu khoảng 110 - 120 triệu đồng/vụ. Một vụ sản xuất dưa lưới kéo dài khoảng 70 ngày, 1 năm sẽ trồng 4 vụ và doanh thu cả năm ước đạt 440 triệu đồng/1.000 m2. Như vậy nếu trồng 1 ha dưa vân lưới xanh sẽ cho doanh thu 4,4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí sẽ có lãi 1,7 tỷ đồng. Hiện nay cây dưa đang sinh trưởng, phát triển khá tốt. Gia đình anh Quyên đã ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cuối vụ với giá ổn định.
"Trồng dưa vân lưới xanh theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu tương đối cao, người trồng phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất với quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, trồng cây, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cho đến lúc thu hoạch sản phẩm. Nhưng bù lại cây dưa lưới có thời gian sinh trưởng tương đối ngắn, có thể canh tác 4 vụ/năm, với giá bán bình quân 35.000 - 50.000 đồng/kg và sản lượng khá ổn định nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu tương đối nhanh" Anh Quyên cho biết thêm.
Đánh giá về mô hình trồng dưa vân lưới xanh, bà Lê Thị Linh, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Mô hình trồng dưa vân lưới xanh của gia đình anh Quyên là một trong những mô hình đầu tiên trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao được UBND huyện hỗ trợ theo Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025. Qua theo dõi, đánh giá cho thấy đến nay cây dưa lưới phát triển rất tốt, dự kiến sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Việc triển khai thành công mô hình sẽ tạo ra bước đột phá trong áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tại địa phương, tránh những yếu tố bất lợi do thời tiết, giúp tăng năng suất, chất lượng và sản lượng cây trồng. Trên cơ sở kết quả ban đầu của mô hình trồng dưa vân lưới xanh của gia đình anh Quyên, huyện Yên Mô đã và đang tổ chức các đoàn tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm để các địa phương, các hộ nông dân nhân ra diện rộng trong thời gian tới.