Gia đình ông Trịnh Văn Minh (xóm 5, Kim Hải) những năm trước đây gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, kinh tế chỉ trông vào mấy sào ao nuôi trồng thủy sản. Nhưng do thiếu vốn để đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật sản xuất, thiếu vốn mua con giống tốt nên nuôi con tôm năm "mất" nhiều hơn năm "được". Kinh tế gia đình rơi vào cái vòng luẩn quẩn, thiếu thốn. Tìm hiểu kỹ về phương thức nuôi tôm công nghiệp, năm 2014 ông Minh đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH phụ thêm để tu sửa, cải tạo lại ao đầm, đầu tư hệ thống máy quạt nước cũng như mua con giống của các công ty có uy tín đảm bảo chất lượng.
Nhờ chịu khó và đưa quy trình công nghệ nuôi hiện đại vào áp dụng nên dịch bệnh trên con tôm giảm hẳn, lợi nhuận ngày một tăng lên. Năm 2015, từ 1,5 mẫu đầm nuôi tôm, gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Ông Minh phấn khởi nói với chúng tôi: "Nuôi trồng thủy sản cần nguồn vốn lớn, không được ngân hàng tạo điều kiện cho vay thì không làm nổi. Nguồn vốn chính sách đã tạo đà, tiếp sức để những nông dân như tôi chủ động phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, vươn lên làm giàu, khai thác ưu thế, tiềm năng vùng đất ven biển".
Rời ao tôm của ông Minh, niềm vui như nhân lên khi chúng tôi tiếp tục cùng với cán bộ xã Kim Hải đến với hộ gia đình bà Phan Thị Mai ở xóm 2, một trong những hộ đã thoát nghèo, làm ăn khấm khá nhờ nguồn vốn vay ưu đãi.
Dẫn chúng tôi đi vòng quanh khu chăn nuôi lợn, chuồng nuôi bò, ao thả cá, bà Mai chia sẻ: Nếu không có sự trợ giúp đắc lực từ nguồn vốn ưu đãi mà chỉ có sự cố gắng, cần cù lao động của bản thân thì gia đình tôi khó có được cuộc sống đổi thay như ngày hôm nay. NHCSXH thực sự là vị "cứu tinh" với nông dân nghèo chúng tôi.
Được biết, nguồn vốn vay ưu đãi đầu tiên đến với gia đình bà Mai là khoản tiền 10 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Vốn nhỏ bà đầu tư nuôi lợn, chỉ sau 1 năm gia đình bà đã có những khoản thu nhập nhỏ nhỏ, từ lứa xuất chuồng đầu tiên. Sau đó tiền tích cóp từ nuôi lợn bà tiếp tục đầu tư mua thêm con bò.
Tuy vậy, kinh tế chưa kịp khá lên thì các con của bà lần lượt đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và để các con theo đuổi ước mơ "con chữ", gia đình bà lại nhờ đến nguồn vốn từ chương trình cho vay học sinh, sinh viên. Đến nay các cháu đã đi làm và từng bước giúp bà trả nợ ngân hàng, kinh tế gia đình cũng dần ổn định.
Hiện nay, từ gần 9 tỷ đồng dư nợ với 9 chương trình cho vay, đã có trên 300 hộ (chiếm khoảng 40% số hộ) trên địa bàn xã Kim Hải có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thêm thu nhập; nhiều em sinh viên tiếp tục theo đuổi con đường học tập, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội miền biển.
Nói về hiệu quả nguồn vốn chính sách, ông Cao Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Kim Hải cho biết: Đồng vốn ưu đãi thực sự rất có ý nghĩa đối với người dân ở những vùng khó khăn như Kim Hải.
Lãi suất thấp, thời gian cho vay phù hợp đã tạo điều kiện cho bà con trong xã khai thác được tiềm năng vùng biển, phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, tăng thu nhập gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đồng thời là động lực để xã thực hiện đúng lộ trình xây dựng nông thôn mới.
Hà Phương