NHÀ NÔNG VÀ NHÀ PHÂN PHỐI CHƯA GẶP NHAU
Nhà nông nói, chúng tôi sản xuất đúng theo quy trình, đảm bảo nông sản làm ra an toàn chất lượng nhưng sao vẫn không vào được các siêu thị, còn các siêu thị, đơn vị phân phối thì kêu không có lượng hàng như mong muốn để đáp ứng các đơn hàng. Nghịch lý này diễn ra lâu nay đang khiến cho nhiều nông dân nản lòng và các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Ông Phạm Văn Thẫn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn Khánh Thành (Yên Khánh) cho biết: HTX hiện có khoảng 20 ha sản xuất rau với sản lượng lên tới hàng trăm tấn. Đặc biệt, các quy trình sản xuất từ khâu đất trồng, nước tưới, phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, đến khâu sơ chế… đều được Ban quản trị HTX quản lý chặt chẽ để đảm bảo sản phẩm khi cung cấp ra thị trường là rau sạch, rau an toàn.
Song, đến thời điểm này hầu hết các sản phẩm rau của HTX vẫn chỉ để bán cho các thương lái trong tỉnh hoặc các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thanh Hóa. Mặc dù, HTX đã có sự điều phối giữa các thành viên để sản phẩm làm ra đa dạng tránh trường hợp bị ép giá nhưng điều này đôi lúc vẫn xảy ra.
Ông Thẫn chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn tìm được đầu ra ổn định cho thương hiệu rau sạch Khánh Thành thông qua các doanh nghiệp đến thu mua, hay ký kết được các hợp đồng tiêu thụ lớn với các siêu thị, nhà hàng, khách sạn".
Tại huyện Gia Viễn, thời điểm này người nuôi trồng thủy sản cũng đang gặp nhiều khó khăn khi đến mùa thu hoạch rộ. Đại diện HTX nuôi trồng thủy sản Gia Hòa, huyện Gia Viễn cho biết: HTX có 255 ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng 400 - 450 tấn mỗi năm.
Khối lượng sản phẩm làm ra không nhỏ nên chúng tôi đã tìm cách để đưa hàng vào các kênh phân phối chính thức như siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm nhưng thực sự quá khó, bởi các đơn vị này đặt ra khá nhiều yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá thành, chi phí… Ví dụ có đơn vị đưa ra mức giá khá cao nhưng lại yêu cầu ngày nào cũng có cá tươi sống và số lượng mỗi ngày chỉ vài chục kg.
Trong khi đó, mỗi lần thu hoạch chúng tôi phải đánh cả ao, sản lượng lên tới vài tấn. Thế là cá vẫn phải bán cho thương lái và vào mùa thu hoạch rộ như hiện nay, họ ép giá rất mạnh. Hiện, cá rô phi đồng cỡ nhỏ chỉ còn 15.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm bán với giá 3.000 đồng/kg. Với mức giá trên, nông dân chỉ muốn bỏ không thu hoạch vì không đủ chi phí thuê người đánh bắt.
Người sản xuất kêu khó còn nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu hay chế biến nói gì? Bà Vũ Thị Vân Phượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VietRap đầu tư thương mại thì cho rằng: Thực tế hiện nay một số sản phẩm nông sản của Ninh Bình đang đi trước hồ sơ, có nghĩa là rau an toàn nhưng lại chưa có đầy đủ các chứng nhận cần thiết của cơ quan quản lý.
Cụ thể như trường hợp rau sạch ở Khánh Thành, bà biết đến rau Khánh Thành, biết là nông dân ở đây sản xuất đảm bảo quy trình an toàn, hơn nữa chất đất phù sa ven sông Đáy tạo ra những sản phẩm rau rất ngon. Bà đã từng lấy rau chân vịt ở đây test thử, hàm lượng, tỷ lệ các khoáng chất tốt hơn hẳn rau trồng ở các nơi khác. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vùng rau này vẫn chưa được kiểm nghiệm, công bố chất lượng sản phẩm, chưa được gắn mã để minh bạch thông tin.
Thống nhất với ý kiến trên, bà Vũ Thị Hậu, Công ty cổ phần Nhất Nam chia sẻ thêm: "Ninh Bình có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp tiềm năng, chúng tôi rất muốn đưa sản phẩm của các bạn vào hệ thống phân phối của Công ty để người tiêu dùng có thêm lựa chọn.
Tuy nhiên, bất cập của Ninh Bình hiện nay là nông dân sản xuất manh mún, công nghệ sau thu hoạch còn yếu, dẫn đến tỷ lệ hao hụt quá cao. Bên cạnh đó, hầu hết các sản phẩm đều thiếu các giấy tờ chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước, tem nhãn cũng chưa có hoặc có nhưng còn nhiều sai sót".
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều loại nông sản có thể đảm bảo được các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm như: rau củ quả, thịt dê, thịt lợn, các loại gia cầm, thủy sản nước mặn, thủy sản nước ngọt… Nhiều vùng sản xuất đã được các tổ chức chứng nhận sản phẩm an toàn VietGAP.
Nhưng hiện nay phần lớn lượng sản phẩm này chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước thông qua các thương lái rồi cung cấp ra thị trường tự do trong và ngoài tỉnh. Việc kết nối giữa các đơn vị sản xuất nông nghiệp và đơn vị tiêu thụ sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu để sản phẩm có thể lưu thông theo chuỗi và có sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị chức năng.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI CHO NÔNG SẢN SẠCH
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT Ninh Bình cho biết, để nông sản sạch của Ninh Bình có chỗ đứng vững chắc trong các siêu thị, Sở đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Thu hoạch cam tại xã Đồng Phong (Nho Quan). Ảnh: Trần Đức
Kết nối đưa nông sản về Thủ đô
Để thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, chỉ trong tháng 11 vừa qua, Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại (Sở Nông nghiệp &PTNT) đã tổ chức 2 lần làm việc với các đơn vị của Hà Nội: Lần một, đoàn công tác của thành phố Hà Nội đã về khảo sát làm việc về chương trình phối hợp chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội và lần hai, đoàn của Ninh Bình, trong đó có nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX sản xuất nông sản đã mang các sản phẩm đặc sản của mình đến với các doanh nghiệp, đơn vị phân phối của Hà Nội để chào hàng cũng như tìm hiểu các yêu cầu và cách thức phân phối hàng hóa của phía bạn.
Qua làm việc, giới thiệu đánh giá về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng và quy trình sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…của các loại nông sản đặc sản của tỉnh Ninh Bình cũng như qua tìm hiểu về năng lực phân phối, tiêu thụ sản phẩm từ phía thành phố Hà Nội, ngành Nông nghiệp Ninh Bình và thành phố Hà Nội kỳ vọng sẽ kết nối được hai khâu sản xuất và tiêu thụ.
Sau khi nghe chia sẻ về quy trình sản xuất, giới thiệu sản phẩm của tỉnh Ninh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Biggreen khẳng định: Nhiều đặc sản của tỉnh vẫn còn vắng bóng trong hệ thống cửa hàng của Công ty, hy vọng sau khi kiểm tra thực tế, xem xét quy trình sản xuất cũng như chứng thực chất lượng, Công ty sẽ đưa thêm nhiều nông sản đặc sản của tỉnh vào hệ thống.
Còn bà Vũ Thị Hậu, Công ty cổ phần Nhất Nam tỏ ra đặc biệt quan tâm với sản phẩm vịt trời của tỉnh Ninh Bình vì đây là sản phẩm mới mà hệ thống siêu thị của Nhất Nam chưa có.
Tại các buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội nhấn mạnh: Nhu cầu thực phẩm sạch của Hà Nội là rất lớn nên chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi đưa nông sản an toàn của Ninh Bình về Thủ đô tiêu thụ.
Sắp tới, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội sẽ tổ chức các tuần lễ nông sản an toàn của các vùng miền để giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô. Tập trung vào việc minh bạch hóa thông tin sản phẩm, gắn mã code lên khoảng 500 sản phẩm an toàn rõ xuất xứ nguồn gốc, từ đó người tiêu dùng hoàn toàn có thể biết được sản phẩm này là ở đâu, sản xuất theo quy trình nào và hệ thống phân phối ở đâu. Đồng thời, phối hợp với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc làm tốt việc kết nối đưa rau - thịt an toàn đến với người tiêu dùng Hà Nội.
Về phía Ninh Bình, bà Đỗ Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại cho biết: Công tác xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp thiết yếu đang được Trung tâm đẩy mạnh nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, giải quyết đầu ra ổn định cho người dân.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung hỗ trợ về mẫu mã, bao bì... cho các sản phẩm chưa có bao bì, nhãn mác; tăng cường quảng bá, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh thông qua các triển lãm, hội chợ; tích cực chắp nối cung - cầu cho một số doanh nghiệp đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị lớn.
Thay đổi cách thức sản xuất
Mặc dù các đơn vị, doanh nghiệp, nhà phân phối bán lẻ đều đánh giá cao chất lượng hàng nông sản của Ninh Bình, tuy nhiên, theo họ, muốn hợp tác bền vững, các hộ nông dân, HTX sản xuất phải thay đổi cách thức sản xuất sao cho sản phẩm làm ra phải có sản lượng lớn, ổn định, chất lượng tốt và đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn thực phẩm. Đây là cái khó của nông nghiệp Ninh Bình bởi người nông dân đa phần vẫn là sản xuất nhỏ, chưa hình thành được các vùng chuyên canh lớn.
Ông Lê Hồng Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp & PTNT Ninh Bình) cho biết: Hiện Chi cục chủ yếu cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cho các đơn vị, còn lại xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn mới cấp được cho 6 cơ sở. Riêng với VietGAP, tỉnh ta có rất ít sản phẩm đạt chứng nhận này.
Theo ông Lê Hồng Sinh: Ninh Bình chưa có các vùng sản xuất lớn, sản phẩm làm ra mới chỉ đủ cho tiêu dùng trong tỉnh và dư thừa chút ít nên người dân vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc sản xuất theo tiêu chuẩn để có các loại giấy chứng nhận an toàn- tấm vé để vào được siêu thị.
Do vậy, điều cần làm trước tiên hiện nay là tạo động lực để các nông hộ chủ động liên kết với nhau để đạt quy mô kinh tế phù hợp; giảm chi phí sản xuất, chi phí giao dịch. Điều này tạo thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng được với các tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế về an toàn thực phẩm.
Ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại An Việt cho rằng: Một HTX hay nông hộ chỉ sản xuất được một vài loại sản phẩm nhất định. Nếu cứ mạnh ai nấy làm thì sẽ rất khó, do đó nên tập hợp thành một nhóm và có 1 đơn vị đứng ra điều tiết sản phẩm, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Một số ý kiến khác khẳng định: Muốn nông sản tiêu thụ tốt, chính quyền địa phương cũng như cơ quan chuyên môn cần chú trọng công tác đào tạo tập huấn quy trình kỹ thuật đối với các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm, kết hợp với việc giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất.
Bên cạnh đó, trợ giúp các cơ sở này làm tốt công đoạn sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản thực phẩm an toàn. Nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, giới thiệu các kênh phân phối thực phẩm bảo đảm chất lượng để họ lựa chọn. Khi triển khai đồng bộ những giải pháp thiết thực này, nông sản sạch Ninh Bình sẽ đến tận tay người tiêu dùng và đứng vững trên thị trường.
Hà Phương