Xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng
Được vực dậy sau khoảng thời gian lao đao vì bị "vạ lây" từ các tin đồn "bún ngậm hóa chất" ở nhiều địa phương khác, nay xưởng sản xuất bún khô của anh Đinh Đức Hoàn ở thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh) lại tấp nập khách ra vào. Anh Hoàn nhớ lại: Từ năm 1992, có tới gần 100 hộ ở đây ồ ạt đầu tư sản xuất bún khô với giá thành rất rẻ để cạnh tranh với các lò bún ở Hà Tây, Hòa Bình, Phú Thọ… Nhưng đến nay chỉ còn lại 6 hộ làm nghề. Lý giải về sự đào thải khắc nghiệt của thị trường, anh Hoàn tiếp lời: Ngày đó, khi nhiều lò bún ở các tỉnh khác chọn cách "đánh cắp" công đoạn sản xuất với việc sử dụng phụ gia, hóa chất hoặc sử dụng nguyên liệu chất lượng kém để làm bún, đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức của bà con làm nghề ở Yên Ninh. Không ít hộ với tâm lý "ăn xổi" tức là dùng mọi cách để chạy đua với các làng nghề khác đã dễ dãi với chính nghề nghiệp của mình. Và rồi, khi người tiêu dùng đồng loạt "tẩy chay bún bẩn" thì tự khắc họ phải dừng lại. Vậy mới thấy, cái tâm, chữ tín của người sản xuất có ý nghĩa quyết định tới sự sống còn trong kinh doanh.
Là người tâm huyết với nghề nhưng đã có thời điểm anh Hoàn cũng như một số hộ sản xuất chân chính khác vẫn phải chịu tiếng oan rơi vào vòng xoáy của "thực phẩm bẩn" bởi sản phẩm không có nhãn mác, không có địa chỉ nên dễ dàng bị đánh đồng với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Chỉ đến khi Hội nông dân vào cuộc giúp anh có thêm kiến thức về "sản xuất sạch", về việc hoàn thiện các bước để được công nhận mô hình sản xuất an toàn, in nhãn mác (tên, địa chỉ, hạn sử dụng) và đặc biệt có cả con dấu của Hội nông dân thị trấn thì mới tạo nên bước phát triển mới. Sản phẩm của anh không còn quanh quẩn ở chợ quê nữa mà đã vươn ra thị trường ở các tỉnh miền Nam, thậm chí đã được xuất khẩu. Anh Hoàn nói: Ngoài lợi nhuận thì điều quan trọng hơn cả là chúng tôi đã và đang giữ uy tín cho làng nghề bún Yên Ninh, góp phần gỡ tiếng oan cho một mặt hàng truyền thống bao đời nay. Được biết, cơ sở của anh Hoàn là một trong sáu hộ còn lại ở thị trấn Yên Ninh vẫn đang trụ lại với nghề làm bún khô nhờ chất lượng luôn được đảm bảo. Anh Hoàn chia sẻ: Trước kia, nghề chế biến bún khô nhọc nhằn lắm. Mọi công đoạn từ xay bột, vắt bột, cắt bún… đều làm thủ công nên người làm bún lúc nào cũng tất bật, chân tay không ngơi nghỉ. Nay nhờ có máy móc nên đã đỡ cực hơn. Tuy nhiên các khâu trong quá trình sản xuất như chọn gạo ngon, dùng nước sạch, không dùng hóa chất tẩy rửa nguyên liệu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… vẫn phải được duy trì nghiêm ngặt.
Cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay nhìn vào doanh thu lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ nghề chăn nuôi lợn, ít ai có thể nghĩ đã từng có lúc anh Trần Văn Chính ở xóm 7, xã Như Hòa (Kim Sơn) tưởng chừng phải bỏ cuộc vì giá lợn xuống quá thấp, 1 kg thịt không mua nổi 1 kg khoai. Rồi còn cái tiếng oan về "thịt lợn bẩn" xuất hiện tràn lan khiến cho người chăn nuôi như anh lao đao. Lúc ấy, sự hỗ trợ, định hướng của các cấp Hội nông dân được coi như cứu cánh với anh và nhiều bà con khác. Từ những giải pháp trước mắt như tìm thị trường tiêu thụ, hỗ trợ vốn vay trong ngắn hạn đến những giải pháp lâu dài về việc bồi dưỡng kiến thức chăn nuôi sạch, về việc tìm nguồn cung cấp thức ăn đảm bảo vệ sinh… đã được Hội nông dân triển khai, nhất là từ khi có Đề án Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn. Nhờ vậy, anh Chính đã sắp xếp, bố trí lại phương thức sản xuất của gia đình, chú trọng đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn trong chăn nuôi, đưa ra thị trường những sản phẩm "sạch" với việc xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại và thuê 2 kỹ sư nông nghiệp với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng về làm việc, đồng thời thuê 5 lao động phổ thông để đảm nhận các khâu trong chăn nuôi theo đúng kỹ thuật... Hiện trang trại của gia đình anh đã mở rộng từ 70 m2 với 50-70 con lợn nái lên hơn 1,3 ha, bao gồm hệ thống chuồng trại nuôi hàng nghìn con lợn/năm và hệ thống ao nuôi cá, vườn trồng cây ăn quả, rau màu…
Có sự đồng hành của Đề án Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn, những nông dân như như anh Hoàn, anh Chính đã và đang miệt mài để khẳng định uy tín cho nông sản cũng như cho chính người nông dân.
Cửa hàng nông sản sạch xuất hiện ở các vùng quê
Điểm đặc biệt khi triển khai Đề án Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn là ngoài việc trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân sản xuất sạch, tổ chức hội còn đóng vai trò quan trọng trong việc tìm đầu ra cho những nông sản này thông qua chuỗi cửa hàng "nông sản an toàn". Còn nhớ, cũng thời điểm này năm trước, cửa hàng đầu tiên được mở tại thành phố Ninh Bình với tên gọi Nông sản sạch Sông Vân đã đem đến sự háo hức, mới lạ với người tiêu dùng nhưng cũng là sự lo lắng, hồi hộp với những người tạo ra nó. Lo lắng bởi nguồn cung sản phẩm thì không thiếu nhưng giá cả lại thường phải cao hơn so với giá chợ, liệu có nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng hay không… Câu trả lời đã có khi đến nay với uy tín được tạo dựng, cửa hàng vẫn tiếp tục được duy trì với lượng khách hàng ổn định, thậm chí lúc cận Tết khách ra vào nườm nượp, hàng chưa kịp bày lên kệ đã hết sạch. Nhưng đáng mừng hơn nữa là không chỉ người dân ở thành phố Ninh Bình mà khách hàng ở rất nhiều vùng quê khác như Yên Khánh, Yên Mô, Hoa Lư… cũng đã được tiếp cận với thực phẩm sạch thông qua chuỗi cửa hàng này. Mỗi cửa hàng thường có khoảng 200 sản phẩm, đảm bảo chất lượng và được bảo quản đúng kỹ thuật, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chủ yếu là nông sản đã được các cơ quan chức năng công nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm như rau, củ, quả của HTX rau sạch Khánh Thành, HTX nông nghiệp Phúc Long, HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản Văn Phong... Những sản phẩm đặc trưng cho quê hương Ninh Bình được du khách gần xa tin dùng cũng được bày bán như: Mắm tép Gia Viễn, giò chả Kim Sơn, bún bánh Yên Ninh, dê núi Ninh Giang... do chính hội viên nông dân Ninh Bình chăn nuôi và sản xuất. Đây cũng là những sản phẩm của các mô hình sản xuất an toàn do Hội Nông dân tỉnh triển khai xây dựng. Bên cạnh đó, các cửa hàng còn liên kết với nhiều địa phương trong cả nước để giới thiệu tới khách hàng những nông sản đặc trưng cho các vùng miền như Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, điều đó cũng làm cho khách hàng có thêm nhiều lựa chọn bởi sự đa dạng, tiện ích như "đi chợ" mà vẫn luôn cảm thấy yên tâm về chất lượng. Ngoài ra, khách hàng còn được tư vấn cách lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Những khách hàng thân thiết còn được tổ chức đi tham quan khu vực sản xuất nông sản an toàn cung cấp cho cửa hàng…
Hỗ trợ nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản sạch chính là điểm nhấn của Đề án "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn" sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới.
Đào Duy