Ở Ninh Bình, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp ngành dệt may và da giày giai đoạn 2011-2015 là 15,0%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 12%/năm. Trong đó quy hoạch phát triển ngành dệt may tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo định hướng xuất khẩu.
Tập trung sản xuất những sản phẩm có đặc thù riêng, sản phẩm may cao cấp đạt các tiêu chuẩn về môi trường và nhãn mác sinh thái. Bên cạnh đó, từng bước nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm của ngành dệt may hiện có, chú trọng đầu tư phát triển sản phẩm may xuất khẩu. Ưu tiên phát triển các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, mức độ tự động hóa cao, để giảm bớt khó khăn về nguồn lao động. Đồng thời từng bước gắn công nghiệp dệt với công nghiệp may để nâng cao hiệu quả của từng ngành; đầu tư sản xuất các loại nguyên phụ liệu cho may mặc xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng nội địa. Có thể kể đến một số công ty may tại Ninh bình như Công ty TNHH may Nien Hsing, Công ty may xuất khẩu Ninh Bình, Công ty TNHH may Phoenix…
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn của ngành Dệt may Ninh Bình là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu…, dẫn đến chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thu về cho doanh nghiệp chưa nhiều. Vì vậy, để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh thì đòi hỏi doanh nghiệp dệt may Ninh Bình và trong cả nước nói chung cần phải nỗ lực đổi mới công nghệ, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong đó, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là dễ thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc chủ yếu sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng tiêu thụ điện khá nhiều. Do đó, ngoài việc bố trí nhà xưởng, văn phòng để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên cùng với việc sử dụng các loại đèn hiệu suất cao như: led, compact, hùynh quang T5 hoặc T8 kết hợp với ballast điện tử và chóa phản quang là giải pháp cần cho các doanh nghiệp. Mặt khác, nên lắp công tắc riêng cho từng đèn hoặc từng khu vực để có thể chủ động tắt khi cần thiết. Giải pháp cụ thể ở đây là: Sử dụng các bóng đèn phát ra nhiều ánh sáng mà sử dụng ít điện, có màu sắc ánh sáng phù hợp với hoạt động của mắt trong khi làm việc.
- Sử dụng các chao, máng đèn tập trung ánh sáng nhiều hơn đến nơi cần chiếu sáng, do vậy hiệu quả sử dụng ánh sáng do bóng đèn phát ra cao hơn, đồng thời giảm bớt độ chói của bóng đèn tránh gây lóa mắt.
- Sử dụng các thiết bị điện như chấn lưu điện tử, khởi động tiêu thụ ít điện hơn và không gây hiện tượng nhấp nháy của bóng đèn túyp hùynh quang. Trước đây, người ta chỉ sản xuất một loại đèn hùynh quang (đèn túyp) ống to đường kính 32mm ký hiệu là T10, gần đây các nhà sản xuất bán ra loại đèn mới là T8 ống 26mm và T5 ống 16mm. Trong ký hiệu trên, T là chữ cái đầu của chữ túyp trong tiếng Anh, con số chỉ đường kính ống tính theo 1/8 inh (theo đơn vị đo chiều dài của nước Anh 1 inh bằng 2,54cm). Các đèn T8 và T5 được sản xuất theo công nghệ mới sử dụng bột phát quang loại mới cho nhiều ánh sáng hơn và gần giống ánh sáng ban ngày nên nhìn dễ chịu hơn. So sánh cùng công suất thì bóng đèn T8 phát sáng nhiều hơn đèn T10 hơn 20%, đèn T5 phát sáng nhiều hơn đèn T8 hơn 20%. Như vậy, loại bóng đèn ống càng nhỏ càng phát sáng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng năng lượng mặt trời trực tiếp vào lưới điện, tạo ra nguồn điện năng trực tiếp, giúp tiết kiệm năng lượng hiệu quả được các xí nghiệp hoặc nhà máy may ứng dụng ngày càng nhiều và sâu rộng.
Ngoài ra, việc đầu tư các thiết bị động cơ có công suất phù hợp, thay thế máy may cơ truyền thống bằng máy may điện tử không chỉ tiết kiệm điện mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, giải pháp lắp đặt các thiết bị biến tần được ứng dụng ngày càng phổ biến trong ngành sản xuất công nghiệp dệt may. Với nguyên lý hoạt động thông minh, thiết bị biến tần có khả năng điều khiển tốc độ cho tất cả các máy móc như: máy tạo sợi, máy dệt, máy nén khí…
Đặc biệt, thiết bị này có công suất tiêu thụ điện thấp hơn so với các biến áp thông thường. Do đó, giải pháp ứng dụng biến tần không chỉ giúp các doanh nghiệp sản xuất tăng hiệu suất công việc, tăng tuổi thọ của máy móc mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm lượng điện tiêu thụ, giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, giảm bớt số lượng nhân công phục vụ và vận hành máy tại một số dây chuyền sản xuất.
Ngoài ra, thiết bị đo đếm của biến tần còn có thể kết nối với hệ thống máy trung tâm, giúp người vận hành có thể thấy được hoạt động của hệ thống và các thông số vận hành như: áp suất, lưu lượng, vòng quay... giúp điều chỉnh và xử lý nhanh các sự cố có thể xảy ra trên dây chuyền sản xuất, kiểm soát tốt lượng điện năng được tiêu thụ cho doanh nghiệp.
Khi áp dụng các thiết bị biến tần đối với các phân xưởng, nhà máy sử dụng lò hơi hiệu suất cao sẽ tránh được việc lò hơi hoạt động non tải không ổn định, khắc phục tình trạng rò rỉ...; còn đối với các nhà máy có công suất lớn thì các biến tần khi lắp cho các motor giúp bảo vệ motor khởi động êm trong dây chuyền sản xuất. Như vậy, việc sử dụng hệ thống thông gió để làm mát máy móc, kết hợp với các thiết bị biến tần không chỉ làm giảm tiếng ồn mà còn giúp tiết kiệm được lượng điện tiêu thụ, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp dệt may.
Hy vọng với các giải pháp tổng thể trên thì bài toán tiết giảm chi phí năng lượng tại các doanh nghiệp dệt may đã có lời giải, đạt được các mục tiêu kinh tế đã đề ra.
Quốc Bình