Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, mỗi năm nhu cầu về điện tăng thêm từ 15-20%, trong khi đó nguồn cung lại không theo kịp. Ngành Điện đã phải thực hiện nhiều biện pháp như mua điện nước ngoài, huy động mọi nguồn cung ứng điện, song vẫn không đủ cho nhu cầu của xã hội. Vì vậy, biện pháp không mong muốn là phải thực hiện tiết giảm điện năng, cắt điện sinh hoạt luân phiên ở các khu dân cư và vùng nông thôn, ưu tiên điện cho các cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh quan trọng. Đó chỉ là giải pháp mang tính trước mắt, còn về lâu dài cần phải đẩy mạnh phong trào sử dụng tiết kiệm điện năng, nhất là trong điều kiện tình hình hiện nay, nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu đến năm 2020 là nước công nghiệp phát triển. Điện năng là một yếu tố quan trọng, cần thiết cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công và đảm bảo cho sự phát triển của đất nước. Mọi cơ quan, đơn vị, các lĩnh vực sản xuất; các mặt của đời sống xã hội… đều cần đến điện. Với tình hình hiện nay cũng như lâu dài, việc tiết kiệm điện chính là sự chia sẻ khó khăn của các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị, các doanh nghiệp và người dân đối với khó khăn hiện tại của đất nước, ưu tiên nguồn điện năng cho những lĩnh vực sản xuất quan trọng và dành tiền đầu tư cho những công trình phúc lợi xã hội khác vì mục tiêu chung của cả nước. Song hành với lượng điện tiết kiệm được là việc giảm lượng khí thải (CO2) ra môi trường, là nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính và lỗ thủng tầng ôzôn mà các nhà khoa học đã và đang cảnh báo…Việc tiết kiệm điện chính là để ích nước, vì mục đích chung của toàn xã hội.
Từ ngày 1-3-2011, giá điện chính thức được điều chỉnh tăng theo quyết định của Chính phủ. Theo đó, giá bán điện bình quân là 1.242 đồng/KWh, tăng 165 đồng cho mỗi KWh so với giá bán điện bình quân của năm 2010. Đối với điện sinh hoạt, có 7 bậc với chính sách ưu tiên cho hộ, gia đình có thu nhập thấp, gia đình chính sách gặp khó khăn. Sự tăng giá này kéo theo một khoản tiền chi phí không nhỏ khi dùng điện của các hộ gia đình và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thể (Ninh Khang, Hoa Lư) cho biết: Bình quân mỗi tháng gia đình ông tiêu thụ hết 60-70 số điện. Với khung giá mới này thì một tháng gia đình phải chi thêm từ 100-120 nghìn đồng. Điều đáng lo ngại hơn cả là xăng dầu, điện tăng giá, các loại hàng hóa khác cũng tăng lên, gây khó khăn không nhỏ cho cuộc sống của người dân. Giá điện tăng cũng làm cho các cơ quan, đơn vị và nhất là các doanh nghiệp mất thêm một khoản tiền nữa, làm tăng giá thành sản phẩm và buộc họ phải có phương án tiết kiệm điện năng: Cắt giảm các thiết bị chiếu sáng, làm lạnh, điện sinh hoạt không cần thiết; bố trí sản xuất vào những giờ thấp điểm; thay thế các thiết bị tiêu hao ít năng lượng…
Ông Tống Anh Đệ, Giám đốc Khách sạn Thùy Anh cho biết: Với đặc thù là nghề kinh doanh khách sạn, nhà hàng nên rất cần phải có điện. Chia sẻ khó khăn với ngành Điện, doanh nghiệp đã cho thay thế toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng trước đây bằng thiết bị tiêu hao ít điện năng; nâng cao ý thức tiết kiệm điện trong mỗi cán bộ, công nhân viên từ những hành động nhỏ nhất. Âu cũng là giải pháp nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh, dịch vụ. Các hộ gia đình thì thực hiện "ra tắt, vào đóng" khi cần, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện; tìm cách sử dụng nguồn năng lượng khác… nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho gia đình, cơ quan, doanh nghiệp. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, mỗi hộ gia đình một năm tiết kiệm 100.000 đồng tiền điện và có khoảng 20 triệu hộ gia đình, thì một năm cả nước tiết kiệm được 2.000 tỷ đồng tiền điện.
Hơn lúc nào hết, tiết kiệm điện đang là vấn đề cấp thiết "Vừa ích nước, vừa lợi nhà" cần được đẩy mạnh ở mọi lúc, mọi nơi, trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đinh Chúc