Sáng ngày 22/6 là buổi đầu tiên Tổ giao dịch lưu động của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nho Quan giải ngân chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn tại xã Xích Thổ. Mặc dù trời nắng như đổ lửa nhưng từ sáng sớm người dân xã Xích Thổ đến rất sớm và mong chờ từng giây, từng phút để được cầm số tiền vốn vay từ Ngân hàng CSXH về đầu tư phát triển sản xuất. Cô Trịnh Thị Lý, thôn Liên Minh, xã Xích Thổ phấn khởi cho biết: Biết lịch của Tổ giao dịch lưu động về giải ngân lúc 8 giờ 30 phút nhưng chúng tôi đều đến sớm hơn cả tiếng đồng hồ.
Do không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo nên từ trước đến nay gia đình tôi rất khó tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng CSXH. Trong khi không biết xoay sở vốn ở đâu để đầu tư phát triển sản xuất, được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện, gia đình tôi là một trong hơn hai mươi hộ được vay vốn chương trình trong đợt này.
Đối với chúng tôi nguồn vốn vay rất có ý nghĩa, tạo đòn bẩy cho người dân vùng khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng. Với 40 triệu đồng được vay, cùng với vốn sẵn có tôi sẽ đầu tư nuôi lợn và nuôi bò quy mô lớn hơn hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Hoa, xã Xích Thổ phấn khởi chia sẻ: Xích Thổ là xã miền núi nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Việc trồng cây gì và nuôi con gì để phát triển kinh tế cũng là bài toán đặt ra cho người dân vì hầu hết đều thiếu vốn. Mong muốn có vốn để phát triển kinh tế đã lâu, nay chúng tôi đã được tiếp cận chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.
Niềm vui như được nhân đôi với người dân Xích Thổ vì đây là nguồn vốn tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp hơn vốn vay các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khác; giao dịch thuận tiện ngay tại xã, đỡ mất thời gian và chi phí đi lại. Với số vốn được vay hôm nay tôi sẽ đầu tư mở rộng thêm chuồng trại, nuôi lợn. Cũng giống như những hộ được vay vốn các năm trước đây, tôi kỳ vọng đồng vốn chính sách sẽ "nở hoa" trên vùng đất Xích Thổ.
Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh, chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn ra đời năm 2007 và đối tượng vay vốn của chương trình là các hộ gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự (bao gồm cả hộ gia đình làm kinh tế trang trại) không thuộc diện hộ nghèo thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Sau hơn10 năm thực hiện, doanh số cho vay của chương trình trên địa bàn tỉnh đạt trên 536 tỷ đồng với hơn 28 nghìn hộ được vay vốn, dư nợ đạt trên 169 tỷ đồng. Việc triển khai chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng triệu lượt hộ vay tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ ngay tại nơi sinh sống.
Từ nguồn vốn này đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả như các mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương... Không những vậy, nhiều gia đình, nhờ vào nguồn tín dụng ưu đãi đã vươn lên làm giàu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn theo hướng sản xuất gắn với thị trường, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân một cách bền vững.
Hiện nay, toàn tỉnh có 32 xã được thụ hưởng nguồn vốn của Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, trong đó Nho Quan có 25 xã, Kim Sơn 6 xã và Yên Mô 1 xã. Ngoài tăng trưởng vốn theo kế hoạch năm, trong tháng 6 này tỉnh Ninh Bình được bổ sung thêm vốn cho 2 chương trình là 45 tỷ đồng, trong đó chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh 30 tỷ đồng, chương trình giải quyết việc làm 15 tỷ đồng.
Ngay từ khi Ngân hàng CSXH Trung ương thông báo và phân bổ vốn, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các địa phương thực hiện rà soát nhu cầu sử dụng vốn để kịp thời giải ngân đến đối tượng thụ hưởng. Dự kiến với nguồn vốn bổ sung thêm, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm hơn 700 hộ thuộc các xã khó khăn được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bài, ảnh: Giáng Hương