Mặc dù tổng trị giá xuất khẩu trong tháng 3, giảm 6,6% so với cùng tháng năm trước. Nhưng tính chung trong quý I tổng trị giá hàng xuất khẩu đạt gần 602,6 triệu USD, tăng 0,7% so với quý I/2020. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong quý I tăng khá so với cùng kỳ như: Quần áo các loại gần 16,5 triệu chiếc, tăng 69,0%; giầy dép các loại 12.299,0 nghìn đôi, tăng 39,2%; xi măng, clanke 3.069,5 nghìn tấn, tăng 7,0%; camera và linh kiện điện thoại 67,5 triệu sản phẩm, tăng 59,9%; cần gạt nước 3.281,0 nghìn chiếc, tăng 5,4%; …
Tuy nhiên một số sản phẩm xuất khẩu lại có mức giảm sút như: Dứa, dưa chuột đóng hộp 1.517 tấn, giảm 33,2%; kính quang học 254,0 nghìn chiếc, giảm 22,7%; linh kiện điện tử 10,1 triệu USD, giảm 45,6%...
Hoạt động xuất khẩu vẫn duy trì được mức tăng trưởng tương đối ổn định nhưng xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Theo báo cáo của Sở Công thương, giá trị nhập khẩu tháng 3 ước đạt gần 247,0 triệu USD, giảm 8,8% so với tháng 3/2020. Lũy kế hết quý I, giá trị nhập khẩu ước đạt gần 711,3 triệu USD, giảm 13,8% so cùng kỳ năm trước. Trong đó giá trị các mặt hàng chủ yếu là: Vải may mặc 16,4 triệu USD; phụ liệu sản xuất giầy dép 83,3 triệu USD; linh kiện điện tử 236,1 triệu USD; linh kiện ô tô các loại 287,1 triệu USD; phế liệu sắt thép 21,4 triệu USD; ô tô 15,3 triệu USD.
Để hỗ trợ cho các hoạt động xuất, nhập khẩu, ngành Công thương đã thường xuyên cung cấp các thông tin về thị trường, cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp. Thông báo tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh về việc xét chọn "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín" năm 2020 và chương trình hỗ trợ phát triển thương mại điện tử năm 2021. Ban hành văn bản thông báo cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện cơ chế thuế tối huệ quốc (MFN) của Vương quốc Anh hậu Brexit. Rà soát tình hình xuất khẩu gạo theo EVFTA đối với danh mục chủng loại và số lượng hạn ngạch gạo xuất khẩu vào thị trường EU. Bên cạnh đó, trong quý I/2021, phòng Quản lý Xuất nhập khẩu đã tiếp nhận và cấp 1.171 bộ Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (C/O) tạo điều kiện rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.
Tỉnh cũng xác định, giai đoạn 2021-2025 với sự ra đời Hiệp định RCEP mức độ mở cửa theo cam kết của các nước ASEAN rất lớn, nên ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của tỉnh. Do vậy cần đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước Singapore, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin và các thị trường còn nhiều tiềm năng xuất khẩu là Lào, Mi-an- ma. Về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao, nguyên liệu đầu vào là sản phẩm trong nước; tiếp tục đẩy mạnh và duy trì xuất khẩu nhóm hàng may mặc, da giày, linh kiện điện tử, xi măng - clinker, linh kiện ô tô,…
Sở Công thương cũng hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp tục tận dụng tối đa các ưu đãi từ các FTA đa phương và song phương để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu nhóm hàng may mặc, linh kiện ô tô, hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản chế biến, linh kiện điện tử,… Xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, mặt hàng của Ninh Bình có kim ngạch xuất khẩu lớn, ưu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, may mặc, camera modul và linh kiện điện tử phù hợp với cam kết của Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Để đạt được kế hoạch giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 2,4 tỷ USD, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, ngành cần nghiêm túc thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2021 "kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính" nhất là trong lĩnh vực đầu tư, hải quan, thuế, đất đai, xuất nhập khẩu; tiếp tục cải tiến quy trình, áp dụng hệ thống thông quan điện tử, 5 rút ngắn tối đa thời gian thực hiện quy trình về thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí đi lại.
Cùng với đó, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng hơn để thu hút các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là các nhà đầu tư từ các quốc gia đã ký FTA với Việt Nam vào các ngành như: sản phẩm công nghệ cao; thiết bị điện - điện tử, linh kiện ô tô... Bổ sung danh mục các lĩnh vực, dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh cũng như các chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất các mặt hàng phục vụ xuất khẩu.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm