Đồng chí Lâm Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cho biết: Mùa mưa bão năm 2017, Ninh Bình chịu ảnh hưởng của 2 đợt thiên tai lớn đó là: Bão số 10 đổ bộ vào đất liền với cấp 8 giật cấp 11 đúng lúc triều cường với lượng mưa bình quân 100mm - 200mm và đợt lũ lớn trên sông Hoàng Long (từ ngày 9/10 đến ngày 13/10).
Năm 2018, dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng tương đương so với trung bình nhiều năm (TBNN), cụ thể sẽ có khoảng 12 đến 13 cơn hoạt động trên Biển Đông và khoảng 5 đến 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Số lượng bão và ATNĐ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền tỉnh ta khoảng từ 2 đến 3 cơn.
Nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và có xu hướng xuất hiện muộn hơn trung bình và mức độ không gay gắt như trong năm 2017. Tổng lượng mưa các tháng 4 và tháng 6-7/2018 có khả năng phổ biến cao hơn TBNN từ 15-25%. Các đợt mưa lớn tập trung trong các tháng 6-8/2018. Trên sông Hoàng Long khả năng xuất hiện 2 đến 3 đợt lũ: Đỉnh lũ cao nhất năm ở mức xấp xỉ báo động III (mực nước tại Bến Đế xấp xỉ +4,00). Trên sông Đáy khả năng xuất hiện 1 đến 2 đợt lũ: Đỉnh lũ cao nhất năm ở mức xấp xỉ báo động III (mực nước tại Ninh Bình xấp xỉ +3,50)...
Do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết thủy văn mùa mưa, bão năm 2018 khả năng sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường; cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra như: Giông sét, bão mạnh, mưa lớn trong thời gian ngắn gây ngập úng ở đô thị và vùng trũng; lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; lũ lớn trên các sông.
Bước sang đầu tháng 7, các tỉnh phía Bắc nói chung và tỉnh ta nói riêng xuất hiện đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao (39-40oC), không chỉ gây khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện những đợt mưa, giông, bão lớn. Dự báo, từ giờ tới cuối năm sẽ còn nhiều đợt mưa, cơn bão, trận lũ có thể xuất hiện với những diễn biến khó lường cả về quy mô lẫn mức độ gây hại.
Đồng chí Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng cho rằng: Nhiệm vụ của các cấp, các ngành là rà soát, bổ sung, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành; Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng đê điều, hồ đập, công trình PCTT, xác định cụ thể trọng điểm PCTT để xây dựng, hoàn thiện phương án PCTT&TKCN của các cấp, các ngành theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo chi tiết, cụ thể, sát với thực tế, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa bàn. Rà soát, bổ sung các phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương để chủ động cứu hộ, cứu nạn tại chỗ kịp thời khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Từng bước hình thành lực lượng cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ chuyên nghiệp với sự tham gia của các lực lượng tình nguyện, thanh niên xung kích trong công tác phòng tránh, đối phó với thiên tai. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng và đài truyền thanh 3 cấp cho nhân dân.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Từng bước nâng cao khả năng chuẩn bị, ứng phó, phục hồi của cộng đồng trước, trong và sau thiên tai. Tổ chức tốt công tác tập huấn, diễn tập phòng, chống thiên tai, hộ đê, hồ đập; nâng cao năng lực công tác tìm kiếm, cứu nạn, sẵn sàng phối hợp với các lực lượng, tổ chức hỗ trợ tham gia TKCN. Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ phòng, chống lụt, bão, động đất, sóng thần.
Từng bước nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai tại địa phương; phấn đấu nâng cao độ chính xác của dự báo bão, áp thấp, mưa, lũ, động đất, sóng thần, nắng nóng, rét đậm, rét hại, xâm nhập mặn, giông lốc...để giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất trên địa bàn toàn tỉnh. Hoàn thành công tác tu bổ, đê, kè, cống theo quy định. Một số công trình gặp sự cố do ảnh hưởng của bão số 10, lũ sông Hoàng Long và lũ sông Đáy đã được sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương, địa phương.
Đến nay các công trình đang được các chủ đầu tư, địa phương tổ chức, triển khai tu bổ, sửa chữa. Tuy nhiên, các chủ đầu tư, địa phương và các BQL dự án các công trình cần phải có giải pháp, phương án đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình này, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2018. Tập trung thực hiện công tác rà soát quy hoạch và tổ chức thực hiện việc bố trí sắp xếp lại dân cư vùng thiên tai. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, công tác cứu trợ thiên tai và khắc phục hậu quả bão, lụt, ổn định đời sống cho nhân dân, tái thiết và khôi phục sản xuất, môi trường sinh thái sau thiên tai.
Đinh Chúc