PV: Thưa ông, trong những năm qua dự án trồng rừng ngập mặn đã được Hội CTĐ triển khai như thế nào và kết quả cụ thể ra sao?
Ông Bùi Trọng Kỳ: Từ năm 1997 đến nay, được sự hỗ trợ của Hội CTĐ Nhật Bản và Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Việt Nam, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, Hội CTĐ tỉnh Ninh Bình đã triển khai dự án "Trồng rừng ngập mặn - giảm thiểu rủi ro thảm họa" tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn. Mặc dù điều kiện về thổ nhưỡng, môi trường không thuận lợi, song đến nay hàng trăm ha rừng Bần, rừng Trang phát triển tốt, nhiều khu vực đã đạt mật độ lên tới 13-15 nghìn cây/ha, chiều cao trung bình khoảng 3-5m. Riêng năm 2014, Ban quản lý dự án đã tổ chức trồng dặm được 24,6 ha, do thời tiết thuận lợi, diện tích rừng trồng dặm phát triển rất tốt, góp phần nâng diện tích rừng do Hội quản lý đến nay là 190ha. Ngoài trồng rừng, trong năm các tiểu dự án được triển khai thực hiện, như: Tập huấn 3 lớp về quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, ứng phó khẩn cấp tại cộng đồng cho 75 học viên các xã có nguy cơ rủi ro cao, trong đó 2 lớp tại xã Cồn Thoi (huyện Kim Sơn), 1 lớp tại xã Gia Thủy (huyện Nho Quan). Đối tượng được tập huấn là thành viên Ban Chỉ huy phòng tránh lụt bão cấp xã và đội viên đội ứng phó khẩn cấp tại cộng đồng. Thành lập, tập huấn và trang bị cho đội ứng phó cộng đồng với 75 thành viên, xây dựng 2 bảng tin truyền thông trên đê Bình Minh 3, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của rừng, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu.
PV: Xin ông cho biết ý nghĩa, hiệu quả mà dự án đem lại?
Ông Bùi Trọng Kỳ: Thông qua các cuộc khảo sát tại thực địa, cộng thêm việc nghiên cứu về tác động và hiệu suất rừng, có thể thấy dự án đã đem lại hiệu quả rất lớn, tác động đáng kể đến giảm thiểu rủi ro thảm họa, đồng thời cải thiện sinh kế cho cộng đồng. Diện tích rừng ngập mặn có tác dụng bồi cao nền đất, hình thành nên một "bức tường xanh" vững chắc bảo vệ đê biển. Nhờ đó qua các mùa bão lũ, triều cường, các đoạn đê biển có rừng ngập mặn che chắn đều không bị sạt lở, góp phần phòng ngừa thảm họa thiên nhiên. Chân đê còn được bồi tụ thêm đất giúp cho đê ngày càng vững chắc, giảm đáng kể chi phí tu bổ đê điều hàng năm, bảo vệ tốt cuộc sống của người dân vùng thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai. Sau khi rừng được phục hồi, nhìn chung sinh vật biển trong rừng ngập mặn ngày càng phong phú, đa dạng hơn về thành phần loài, số lượng cá thể… Nhờ vậy đã giúp tăng thu nhập của những người dân trong vùng thụ hưởng dự án, nhất là đối với các hộ nghèo, phụ nữ và trẻ em (ví dụ như đánh bắt thủy hải sản, nuôi ong lấy mật). Tuy nhiên, theo tôi cái được lớn nhất mà dự án đem lại chính là việc làm thay đổi thói quen, hành vi của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với thảm họa. Thông qua tập huấn, tuyên truyền, vận động, kiến thức về bảo vệ môi trường, về ứng phó với thiên tai, tác hại của nước biển dâng… nhận thức của người dân các xã bãi ngang ngày càng nâng lên, mọi người tích cực, nhiệt tình trong tham gia trồng, bảo vệ rừng; người dân đã chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch ứng phó với thiên tai ngay tại nhà, chuẩn bị lương thực, xây nhà kiên cố, chằng chống nhà cửa trước mùa thiên tai.
PV: Để duy trì chương trình một cách hiệu quả, thời gian tới Hội CTĐ tỉnh sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?
Ông Bùi Trọng Kỳ: Không thể phủ nhận những giá trị to lớn mà những cánh rừng ngập mặn đem lại. Mặc dù vậy, việc triển khai dự án tại địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Nguồn kinh phí đối ứng của địa phương còn hạn chế, định mức các hoạt động còn thấp, nhất là định mức trồng rừng; cán bộ dự án tại các địa phương phải kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các hoạt động dự án, công tác bảo vệ rừng ngập mặn ở nhiều nơi còn gặp khó khăn... Để tiếp tục duy trì tính hiệu quả bền vững của dự án; đặc biệt là thực hiện Đề án của Chính phủ về bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020, Hội CTĐ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là cộng đồng dân cư vùng dự án thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài của việc trồng rừng ngập mặn, từ đó tham gia bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý dự án; quan tâm, động viên cán bộ, hội viên, các hộ trồng rừng tích cực, chủ động trồng, bảo vệ rừng, đề xuất các phương thức khai thác nguồn lợi từ rừng để lấy rừng nuôi rừng; tiếp tục vận động các nhà tài trợ, huy động nguồn lực để trồng rừng ngập mặn ở diện tích đất còn trống do Hội quản lý. Năm 2015, mục tiêu trồng thêm 30 ha rừng, hiện nay Ban quản lý dự án đang phối hợp với Ban quản lý dự án Trung ương Hội và nhà tài trợ xây dựng kế hoạch, khảo sát chọn địa điểm trồng sao cho phù hợp, đảm bảo tỷ lệ sống cao, đồng thời tiếp tục tập huấn cho cán bộ, hội viên, đội bảo vệ về kỹ thuật trồng, mùa vụ, cách chăm sóc…để khi trồng rừng đảm bảo tỷ lệ cây sống cao, phát triển tốt.
PV: Xin cảm ơn ông!
P.V (Thực hiện)