Tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam đi qua địa phận tỉnh Ninh Bình bao gồm 2 dự án thành phần là: Dự án Cao Bồ-Mai Sơn và dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45.
Dự án Cao Bồ-Mai Sơn được triển khai từ năm 2017, đã hoàn thành hầu hết các khối lượng cơ bản; bàn giao đất nông nghiệp cho tuyến chính được 10,05/10,10 km (đạt 99,5%); giải ngân được 701/761,7 tỷ đồng (đạt trên 92%). Hiện, còn vướng mắc ở một số vị trí tại đường gom và cây xăng Khánh Thượng.
Dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45, tổng chiều dài qua Ninh Bình là 14,35 km. Đến nay, đã bàn giao được 9,31/14,35 km (đạt gần 65%), tổng diện tích đất thu hồi là 50,69/145,29 ha (đạt gần 35%); đã kiểm đếm 3/3 huyện và chi trả tiền cho 445/1005 hộ dân bị ảnh hưởng; tổng số tiền đã giải ngân là gần 256 tỷ/526 tỷ đồng (đạt gần 49%). Ở dự án này, vướng mắc nhất là thành phố Tam Điệp, liên quan đến kiến nghị của các hộ dân về giá đền bù đất ao vườn gắn liền với đất ở và giá cây chè.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đã báo cáo về tiến độ thực hiện, các khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng và nêu một số đề xuất, kiến nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Thạch biểu dương sự nỗ lực của các địa phương, các ngành đã tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án. Đến nay, tuyến Cao Bồ-Mai Sơn đã cơ bản giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công. Đối với dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45, mặc dù có nhiều vướng mắc nhưng các địa phương cũng đã rất cố gắng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có yêu cầu phải khởi công 4 dự án (Cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, Kênh nối Đáy-Ninh Cơ) trong tháng 9. Do vậy, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, các địa phương phải quyết liệt hơn nữa, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công.
Trước tiên, tập trung tuyên truyền, vận động, thuyết phục những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án nhưng chưa đồng thuận để bà con hiểu, nắm được chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng tình ủng hộ.
Về nhiệm vụ cụ thể của từng địa phương, đồng chí yêu cầu: đối với huyện Yên Khánh, sau khi các hộ dân thu hoạch lúa xong, lập tức bố trí cho nhà thầu tổ chức thi công, đảm bảo đúng thời gian.
Đối với hyện Yên Mô, một số hộ gia đình yêu cầu, đòi hỏi chính sách không chính đáng, nếu thuyết phục không được phải xây dựng biện pháp cưỡng chế; với những kiến nghị của chủ cây xăng Khánh Thượng, huyện cần phối hợp với các ban, ngành để giải quyết.
Huyện Hoa Lư khẩn trương thực hiện dự án di chuyển, nâng cao độ võng đường dây điện. Đối với thành phố Tam Điệp cũng như các địa phương có đất ao vườn chưa giải phóng được, khẩn trương thuê đơn vị tư vấn xây dựng phương án giá đất cụ thể để trình hội đồng thẩm định của tỉnh xem xét, quyết định trong tháng 9 này…
Các ngành, đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình, thường xuyên phối hợp hướng dẫn các địa phương hoàn thiện các hồ sơ pháp lý và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Nguyễn Lựu - Anh Tuấn