Công tác học tập, quán triệt Nghị quyết đã được triển khai toàn diện, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng cao. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 10 nghị quyết chuyên đề, trong đó đều xác định phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong các giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, kịp thời cụ thể hóa luật pháp, cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực đầu tư cho ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực công nghệ thông tin. Tập trung chỉ đạo công tác ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thực hiện các nhiệm vụ: cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Đến nay, tỉnh ta đã xây dựng và đưa vào hoạt động 1 cổng chính, 26 cổng thành phần của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, đồng thời liên kết đến một số trang của các tổ chức chính trị - xã hội. 100% cơ quan Nhà nước đã có cổng/trang thông tin điện tử, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; trên trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước các dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp đầy đủ ở mức độ 1, 2. Việc trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan đã được chú trọng thực hiện, 100% cơ quan nhà nước từ cấp xã trở lên đã kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản hồ sơ công việc. 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện được triển khai áp dụng Hệ thống kiểm soát công tác chỉ đạo và điều hành (phần mềm nhắc việc) phục vụ tốt công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ.
Hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin được đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Đến nay, hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước cơ bản hoàn thiện, kết nối liên thông các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh (thông qua mạng LAN, Internet và mạng diện rộng của tỉnh, phục vụ tốt hơn trong điều hành và tác nghiệp). Hạ tầng mạng viễn thông băng rộng (cáp quang) chất lượng cao được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn, cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông, Internet tốc độ cao cho người dân. Hệ thống Trung tâm dữ liệu tập trung, các máy chủ, thiết bị bảo đảm an toàn thông tin được quan tâm đầu tư. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các tổ chức, doanh nghiệp, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin được quan tâm chỉ đạo, từng bước đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thông tin còn bị động; các thiết bị đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống máy chủ, mạng LAN của các cơ quan được trang bị còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu, thiếu cán bộ phụ trách công nghệ thông tin. Thiếu cán bộ có chuyên môn cao về lĩnh vực an toàn thông tin, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin của các doanh nghiệp chủ yếu kiêm nhiệm. Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt của người dân trên địa bàn tỉnh còn chậm...
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay đặt ra yêu cầu cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin cần được quan tâm cấp thiết, với tầm nhìn chiến lược, tương thích với sự phát triển của khu vực và thế giới. Chính vì vậy, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về công nghệ thông tin với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với nhiều đối tượng. Triển khai có hiệu quả các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với chương trình cải cách hành chính hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4 trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh việc sử dụng các ứng dụng đã triển khai một cách có hiệu quả: hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử, cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng chữ ký số…đảm bảo an toàn thông tin khi trao đổi văn bản trên môi trường mạng, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng và gửi văn bản giấy. Tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ di động trong tiếp nhận phản ánh thông tin kinh tế - xã hội, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, phục vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công trên địa bàn tỉnh. Kiện toàn hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh, các huyện, thành phố; phát huy vai trò quản lý Nhà nước, tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử của các đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin. Tổ chức thường xuyên, có chất lượng cao các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức, viên chức, cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin. Tiếp tục triển khai thực tốt Đề án "đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội giai đoạn 2019-2020" và các năm tiếp theo…
Bùi Quang