Nho Quan là huyện miền núi có 25/27 xã được hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ từ Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Tại đây đã có hàng nghìn hộ dân không thuộc đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mở ra cơ hội mới để vươn lên làm giàu.
Trước đây cuộc sống của gia đình ông Trần Đình Lương, xã Phú Long, huyện Nho Quan gặp rất nhiều khó khăn do không có vốn để đầu tư sản xuất lớn nên chỉ trồng ngô, trồng sắn thu nhập thấp.
Năm 2014, được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tạo điều kiện được vay vốn từ nguồn vốn sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, gia đình ông đã đầu tư nuôi đôi bò sinh sản và cải tạo đất để trồng mía, ngô. Nhờ có vốn đầu tư sản xuất, cuộc sống gia đình ông đã cải thiện rõ rệt, mỗi năm có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Năm 2018, được vay 40 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, cô Trịnh Thị Lý, thôn Liên Minh, xã Xích Thổ đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố và mua giống bò, lợn về chăn nuôi.
Cô Lý chia sẻ: "Do không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo nên từ trước đến nay gia đình tôi rất khó tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng CSXH. Trong khi không biết xoay sở vốn ở đâu để đầu tư phát triển sản xuất, Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện vay vốn. Đối với chúng tôi, nguồn vốn vay rất có ý nghĩa, tạo đòn bẩy cho người dân vùng khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng".
Qua hơn 1 năm được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nguồn vốn đã phát huy hiệu quả, giúp gia đình cô Lý có cuộc sống sung túc hơn, có điều kiện để vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất khó.
Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh, Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh được thực hiện trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm giúp vốn cho các hộ gia đình tại những vùng khó khăn phát triển kinh tế.
Đối tượng vay vốn của chương trình là các hộ gia đình không thuộc hộ nghèo thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn. Hiện nay Ninh Bình đang triển khai chương trình cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn ở 32 xã, trong đó Nho Quan có 25 xã, Kim Sơn 6 xã và Yên Mô 1 xã.
Tính đến hết tháng 5 năm 2019, dư nợ cho vay của Chương trình là 327 tỷ đồng với trên 9.000 hộ còn dư nợ. Có thể nói, Chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn là một chủ trương, chính sách đúng của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế, được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn từ Ngân hàng CSXH đã giúp các hộ không phải là hộ nghèo trước đây rất cần vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng không vay được các ngân hàng thương mại vì không có tài sản thế chấp được vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại vùng khó khăn.
Chương trình này đã khơi dậy được tiềm năng phát triển kinh tế của vùng, nhân dân có điều kiện phát triển những ngành nghề thế mạnh của địa phương như: phát triển vườn đồi, kinh tế trang trại, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh buôn bán. Qua đó góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho hộ gia đình, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Bài, ảnh: Hồng Giang