NGƯỜI NÔNG DÂN "NHẬN LƯƠNG" TRÊN CHÍNH ĐỒNG ĐẤT CỦA MÌNH
Văn Phương là xã vùng cao nằm ở phía Tây Nam huyện Nho Quan với tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 30% dân số toàn xã. Cùng với nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Văn Phương đã tích cực, chủ động chuyển đổi cây trồng, con nuôi, tập trung cải tạo vườn tạp, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đưa giá trị 1 ha canh tác năm 2015 lên 70,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, một số diện tích đất nông nghiệp nằm tại vị trí có địa hình hiểm trở, bốn bề đều là núi khiến sản xuất nông nghiệp đặc biệt khó khăn do nguồn nước phải phụ thuộc vào tự nhiên. Điển hình như khu đất ruộng tại thôn Tiền Phương. Thường thường, người dân có ruộng tại khu vực rộng 25ha này chỉ gieo trồng được 1 vụ màu duy nhất trong năm, nhưng cũng năm được năm mất.
Có năm, nhiều hộ dân quyết chí cải tạo vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi" này để trồng lúa, trồng màu song cũng chỉ được một vụ, đến năm sau cũng đành từ bỏ bởi công sức tưới tiêu vất vả mà thành quả thu về chẳng đáng là bao. Thế nên, người nông dân đành bất lực nhìn nguồn tài nguyên đất vô giá bị bỏ không một cách lãng phí, mặc cho cỏ, lau mọc um tùm.
Khi đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh được triển khai rộng khắp, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thuê lại đất ruộng để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, Công ty TNHH dược thảo Hoàng Thành Ninh Bình đã quyết định thuê lại 11ha đất của người dân để trồng cây dược liệu.
Với lĩnh vực kinh doanh là cung cấp giống cây và thu mua sản phẩm dược liệu, Công ty đã cải tạo toàn bộ 11ha, lên luống trồng các giống cây như: cát cánh, cúc, bạch nhu, mạch môn, địa hoàng, đương quy, ngưu tất. Điều đặc biệt hơn nữa, những người công nhân lao động tại đây lại chính là những người nông dân có ruộng, nay cho công ty thuê lại và được công ty nhận vào làm việc.
Ông Đinh Công Khánh, một lao động tại đây cho biết, trước khi doanh nghiệp vào đây đầu tư sản xuất, nhiều lao động tại địa phương thất nghiệp. Hơn thế, vùng đất này ít được người nông dân canh tác do hạn chế về nguồn nước. Nay công ty không chỉ thuê đất mà còn thuê chúng tôi làm việc đã giúp chúng tôi có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty hiện đang thuê 15 lao động địa phương làm việc thường xuyên. Công việc của những người lao động tại đây không quá phức tạp, tập trung chủ yếu vào việc chăm sóc các loại cây dược liệu. Theo đó, các lao động sẽ làm việc dưới sự chỉ dẫn của một cán bộ phụ trách kỹ thuật để đảm bảo yêu cầu trong quy trình trồng như cách lên luống, gieo hạt, khoảng cách giữa các cây...
Trung bình, mỗi lao động tại đây được hưởng mức lương 3 - 4 triệu đồng/tháng. Chị Vũ Thị Nga, cán bộ phụ trách kỹ thuật của công ty cho biết: Công ty đang hướng đến việc sản xuất cây dược liệu sạch, tận dụng nguồn phân chuồng để bón lót cho cây và tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Chính vì vậy, công ty rất cần lượng lớn lao động để chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh cho cây bằng phương pháp thủ công. Nhận thấy nguồn lao động tại địa phương đang dư thừa, công ty đã tạo điều kiện giúp đỡ người dân có việc làm, thêm thu nhập để ổn định cuộc sống. Để khắc phục khó khăn về nguồn nước, công ty đã đầu tư một hệ thống đường ống dẫn nước, hệ thống vòi phun tự động với chi phí khá lớn. Hiện nay, các loại cây dược liệu đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Công ty cũng có sẵn dây chuyền sản xuất khép kín, sau khi thu hoạch, cây dược liệu sẽ được chuyển đến nhà máy sản xuất tại Hưng Yên, thành phẩm là các loại thuốc bồi bổ sức khỏe như hoạt huyết dưỡng não, hỗ trợ chữa bệnh đại tràng, bổ gan...
Hiện tại, diện tích 11ha đã được phủ kín. Từ việc hình thành khu chuyên sản xuất cây dược liệu, công ty cũng mong muốn người dân thấy được hiệu quả, phát triển nghề này tại địa phương.
Việc cho thuê lại đất lúa kém hiệu quả cho các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, khoa học kỹ thuật và công cụ lao động hiện đại cũng được xã Văn Phương đồng tình, ủng hộ.
Ông Hà Lương Chuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phương cho biết: Vùng đất lúa kém hiệu quả này là nỗi trăn trở không nguôi trong nhiều năm nay của cấp ủy và chính quyền xã. Vận dụng chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, được sự nhất trí của UBND huyện, xã Văn Phương đồng ý cho Công ty TNHH dược thảo Hoàng Thành Ninh Bình thuê lại 11ha đất tại thôn Tiền Phương để sản xuất cây dược liệu.
Việc đó đã góp phần sử dụng hiệu quả nguồn đất tại địa phương, đồng thời nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tạo điều kiện cho thuê thêm diện tích 14ha còn lại nếu Công ty có nguyện vọng.
Từ cánh đồng "chó ăn đá, gà ăn sỏi", người dân cũng bất lực để ruộng bỏ không, đến nay, những cây dược liệu quý đang vượt lên xanh tốt, điều đó là minh chứng rõ ràng cho những hiệu quả bước đầu của việc "mở cửa", thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế khác vào đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Đây chỉ là một trong những mô hình đã và đang triển khai trên địa bàn toàn tỉnh với mục tiêu để người dân "nhận lương" trên chính đồng đất của mình và đạt hiệu quả nhất định. Những mô hình này đã mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp, thắt chặt mối liên kết 4 nhà, phát triển sản xuất theo hướng quy mô lớn, tập trung.
"LỜI MỜI" CHO DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP
Tổ hợp sản xuất của ông Tống Viết Lư, xã Mai Sơn, Yên Mô.
Trong những năm qua, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo thực hiện việc dồn điền đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, đẩy mạnh cơ giới hóa, tăng diện tích lúa chất lượng cao... Song thực trạng chung vẫn gặp phải đó là công nghệ nông nghiệp còn lạc hậu, hiện mới đáp ứng được khâu làm đất và thu hoạch; sản xuất vẫn nhỏ lẻ, manh mún, việc xây dựng và triển khai sản xuất mô hình cánh đồng mẫu lớn chưa rộng khắp. Hơn thế, lúa gạo chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, chưa phát triển được thương hiệu gạo để xuất khẩu.
Bởi vậy, với chính sách tích tụ ruộng đất hiện đang triển khai được coi là "lời mời" hấp dẫn cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, hình thành vùng chuyên canh trồng lúa chất lượng cao, hình thành thương hiệu gạo phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Với vị thế là đơn vị số 1 của tỉnh ta thực hiện khá hiệu quả việc liên kết 4 nhà, Công ty cổ phần - Tổng Công ty giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình đã sớm đầu tư một hệ thống nhà sấy tại trại giống lúa Khánh Nhạc, công suất 1 lần sấy trên 30 tấn lúa một ngày.
Hơn thế, Công ty đã xây dựng nhà máy Chế biến bảo quản nông sản Ninh Bình, khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 8/2015 với công suất 35 nghìn tấn/năm. Nhà máy là một trong những công trình tiêu biểu của tỉnh chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhà máy, Tổng công ty đã liên kết với một số hợp tác xã nông nghiệp và các hộ nông dân có đất tổ chức sản xuất lúa cung cấp cho nhà máy. Bước đầu đã mang lại hiệu quả cho các hộ nông dân và hợp tác xã liên kết sản xuất với tổng công ty.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện mô hình liên kết đã bộc lộ rõ một số hạn chế phát sinh. Đó là, phong trào xây dựng cánh đồng lớn để sản xuất lúa khó triển khai do ruộng đất đã giao cho các hộ nông dân ổn định lâu dài nhưng diện tích nhỏ khó tích tụ ruộng đất thành vùng sản xuất lớn chuyên canh nên khó thực hiện đồng bộ các khâu trong sản xuất cánh đồng lớn, khó đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, nông dân không thiết tha với đồng ruộng, không đầu tư công sức cho việc chăm sóc lúa theo đúng quy trình kỹ thuật dẫn tới việc năng suất lúa không cao, chất lượng không đảm bảo cho chế biến, chi phí sản xuất tăng khiến giá thành cao làm thu nhập kém hiệu quả.
Thêm vào đó là tình trạng nông dân phá vỡ hợp đồng, không bán sản phẩm cho doanh nghiệp diễn ra phổ biến ở các hợp tác xã liên kết với công ty nên không thu mua đủ sản phẩm theo hợp đồng, giá sản phẩm nguyên liệu cao khiến giá thành gạo sau chế biến khó cạnh tranh trên thị trường.
Từ thực tế trên, Công ty cổ phần Tổng công ty giống cây trồng con nuôi Ninh Bình đã xây dựng đề án: "Cánh đồng sản xuất khép kín, người nông dân thu nhập ổn định". Chính sách cho tích tụ ruộng đất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh ta sẽ "mở lối" giúp Tổng công ty quyết định thuê lại đất ruộng của nông dân, thời hạn từ 5 năm trở lên.
Với việc quy hoạch lại các cánh đồng sản xuất khép kín có quy mô từ 20ha trở lên, Công ty sẽ chủ động trong việc sản xuất lúa, dự kiến năm 2017 sẽ xây dựng được 1000ha, năm 2018 đạt 3000 ha, năm 2020 đạt trên 5000 ha.
Quy trình sản xuất tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới đạt tiêu chuẩn lúa gạo hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Hội đồng quản trị Hợp tác xã sẽ tham gia đảm nhiệm một số dịch vụ thủy lợi, bảo vệ đồng ruộng…
Với năng suất dự tính đạt 12 tấn/ha, đến năm 2020, sản lượng gạo sẽ đáp ứng đủ công suất cho nhà máy chế biến của Tổng công ty. Mặt khác, mô hình sẽ góp phần giải phóng khoảng 30.000 lao động trồng lúa của tỉnh, các chủ hộ có ruộng không trực tiếp đầu tư quản lý vẫn có thu nhập ổn định 250 nghìn đồng/sào/vụ, tương đương 7 triệu đồng/ha/vụ. Ban quản trị HTX có thu nhập 100 đồng/kg lúa tương đương 600 nghìn đồng/ha/vụ, tính cho 1000 ha là 600 triệu đồng.
Đại diện Công ty cổ phần - Tổng Công ty giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình cho biết, căn cứ diện tích thuê được tiến hành thành lập bộ máy quản lý điều hành sản xuất cho phù hợp với mô hình. Xây dựng quy trình sản xuất an toàn thực phẩm cho từng mô hình cụ thể, áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ.
Doanh nghiệp sẽ tiến hành đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng; sử dụng máy làm đất, máy bón phân, phun thuốc, máy gặt đập liên hoàn và các dụng cụ lao động phù hợp với sản xuất công nghiệp.
Hơn nữa, để đảm bảo biện pháp trên thực hiện tốt, Doanh nghiệp sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng mô hình, từng thời vụ để tổ chức thực hiện sâu sát và hiệu quả của đề án.
Thiết nghĩ, đây là tín hiệu vui cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà, bộc lộ rõ sự ưu việt của chính sách tích tụ ruộng đất, thu hút được doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó góp phần đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, nâng cao thu nhập, tận dụng nguồn đất sản xuất tạo ra hàng hóa có giá trị, tạo điều kiện liên kết 4 nhà.... Hiện nay, việc tích tụ ruộng đất vẫn còn gặp một số khó khăn.
Một bộ phận người nông dân chưa nhận thức rõ, vẫn tồn tại tư tưởng bảo thủ, quyết tâm giữ ruộng mặc dù không tổ chức canh tác, không thực hiện cải tạo, bảo quản... khiến đất đai bị hoang hóa, kém chất lượng gây lãng phí lớn cho nguồn tài nguyên vô giá này.
Thêm vào đó, thực tế số lượng doanh nghiệp thuê đất để phát triển sản xuất còn hạn chế. Một phần là do chưa nhận thức triệt để về nguồn lợi mà nông nghiệp đem lại, một phần là do nguồn vốn đầu tư khá lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không đủ điều kiện để tổ chức sản xuất khép kín dẫn đến chi phí sản xuất cao, thiếu chủ động.
Mặt khác, sản xuất nông nghiệp nói chung ẩn chứa nhiều rủi ro như ảnh hưởng khách quan của thời tiết, khí hậu, sâu bệnh, dịch hại và những biến động giá cả của thị trường. Chuỗi liên kết 4 nhà chưa bền vững, ảnh hưởng đến năng suất cũng như đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
Trong khi đó, tính cạnh tranh của thị trường tiêu thụ ngày một khốc liệt khiến sản phẩm nông nghiệp trong nước đang bị "lép vế" so với nhiều nông sản nhập ngoại... khiến các doanh nghiệp còn e ngại.
Bởi vậy, rất cần các chính sách thu hút đầu tư, sự đồng hành của các cấp, các ngành và địa phương, cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tổ chức sản xuất, tăng cường quảng bá nông sản để tạo dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho nông sản...
Và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh nói chung, chính sách cho tích tụ ruộng đất trong đề án nói riêng chính là động thái "giơ tay ra để cùng bắt tay thật chặt với các doanh nghiệp", xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, khơi mào cho một cuộc "cách mạng nông nghiệp" trong tương lai.
Thái Học