Xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư là một trong những địa phương đứng đầu của tỉnh về làm tốt công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ). Thị trường mà người lao động Ninh Hòa tham gia nhiều nhất, đó là Hàn Quốc. Theo thống kê, hiện nay toàn xã có gần 400 lao động đang làm việc có thời hạn ở Hàn Quốc. Hàng năm, bằng số tiền những lao động này gửi về, các gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần qua các năm, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của Ninh Hòa còn 3,83%.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều địa phương khác trên toàn quốc, có thời điểm tỷ lệ lao động Ninh Hòa tại Hàn Quốc không về nước đúng hạn lên đến trên 80%, đặt nhiều lao động tỉnh ta đứng trước nguy cơ bị "cấm cửa" sang thị trường Hàn Quốc do phía Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, xã Ninh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể về tuyên truyền, vận động người lao động ở Hàn Quốc về nước đúng thời hạn hợp đồng. Đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ninh Hòa cho biết: Chúng tôi đã thành lập các tổ đến tuyên truyền, vận động người thân ký cam kết, khuyến khích lao động về nước đúng quy định. Đồng thời, thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh một số chính sách ưu đãi của Hàn Quốc đối với người lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn; chính sách ưu đãi của Hàn Quốc đối với người lao động mẫu mực, tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc… Đến nay, 100% gia đình có người thân đi lao động ở Hàn Quốc đã ký cam kết vận động người thân trở về nước sau khi hết hạn hợp đồng. Nhờ đó, hiện nay trong tổng số 400 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc thì chỉ còn khoảng hơn 20 người cư trú bất hợp pháp. Tất nhiên, công tác tuyên truyền, vận động sẽ tiếp tục được địa phương tăng cường thực hiện, phấn đấu trong thời gian tới sẽ không còn lao động nào cư trú trái phép tại Hàn Quốc.
Tỉnh Ninh Bình tham gia vào thị trường lao động Hàn Quốc từ năm 2005. Đến nay, toàn tỉnh có trên 2 nghìn lao động đang làm việc tại thị trường này. Từ đầu năm 2019 tới nay, tỉnh ta đã có 581 lao động đi xuất khẩu, trong đó chủ yếu là xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Tuy nhiên, tình trạng lao động Việt Nam không về nước sau khi hết hạn hợp đồng, mà vẫn ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã gây nhiều bất lợi cho người lao động khác khi muốn tham gia vào thị trường này. Cụ thể, Hàn Quốc đã từng tạm dừng ký gia hạn Bản ghi nhớ về việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS khi chương trình này hết hiệu lực vào năm 2012 và phải đến năm 2016, việc ký kết chương trình EPS mới được nối lại, nhưng vẫn ngừng tiếp nhận lao động ở những địa phương có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp. Và mới đây, tháng 4/2019, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ra thông báo về việc tạm dừng tuyển chọn người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2019 đối với 40 quận, huyện của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đối với tỉnh ta, mặc dù chưa nằm trong diện các địa phương bị tạm dừng tuyển lao động đi Hàn Quốc, nhưng đòi hỏi các huyện, thành phố có lao động đang làm việc tại Hàn Quốc cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm kêu gọi người lao động về nước đúng thời hạn. Tỉnh ta cũng đã có công văn về việc vận động người lao động của địa phương làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về XKLĐ, nhất là chương trình hợp tác lao động Việt Nam- Hàn Quốc trên hệ thống thông tin đại chúng. Đặc biệt, tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thành phố phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các xã, thị trấn thông báo đến từng gia đình có con em đang cư trú bất hợp pháp để yêu cầu các gia đình kêu gọi con em về nước; củng cố hồ sơ xử lý, tham mưu xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về XKLĐ.
Bài, ảnh: Đào Hằng