Buổi sinh hoạt ngoại khóa tại Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình) thu hút gần 1.400 cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường tham gia. Nội dung chính được tuyên truyền trong buổi ngoại khóa là về phòng, chống pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các em học sinh không sử dụng, tàng trữ các loại pháo nổ.
Đại úy Lê Thị Giang, báo cáo viên Công an thành phố Ninh Bình cho biết: Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, tình hình vi phạm về sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ lại có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, do hiếu kỳ, tò mò, muốn chứng tỏ bản thân, nhận thức pháp luật còn hạn chế, nên vẫn có hành vi vi phạm. Do đó, việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền đến học sinh là cần thiết, góp phần quan trọng không để các em vi phạm pháp luật về pháo.
"Tại buổi tuyên truyền, chúng tôi tập trung phổ biến nội dung Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo; Quyết định 95/2009/QĐ-TTg ngày 17/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Pháp lệnh số 16/2011/UBTV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt thả "đèn trời". Qua đó giúp cán bộ, giáo viên và học sinh nâng cao kiến thức, hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật, không mua bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo nổ; không tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép, kịp thời phát hiện, tố giác, đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo, tham gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống pháo nổ...." - Đại úy Lê Thị Giang cho biết thêm.
Em Nguyễn Tùng Dương, học sinh lớp 8D, Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Chúng em vẫn thấy trên mạng Internet có các cá nhân, nhóm chào bán pháo, vật liệu nổ, có cả cách hướng dẫn để tự làm pháo, đốt pháo nổ... Nhưng qua nghe tuyên truyền, giúp em và các bạn hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm đối với việc sử dụng pháo nổ.
Đặc biệt, mức xử phạt nếu vi phạm các quy định của pháp luật về hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép pháo nổ cũng như các loại vũ khí, vật liệu nổ rất nặng. Từ đó chúng em bảo nhau, không nên tò mò tìm hiểu, sử dụng pháo nổ và tuyên truyền cho bạn bè, người thân không vi phạm các quy định về pháo... bởi rất nguy hiểm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình) cho rằng, đây là hoạt động rất cần thiết, có ý nghĩa thiết thực đối với học sinh nhà trường. Việc tổ chức tuyên truyền phòng chống pháo nổ trong trường học không chỉ giúp học sinh hiểu rõ tác hại mà còn giúp các em trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động người thân, gia đình, quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Theo đại diện ngành Giáo dục Ninh Bình, thời gian qua, để hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về pháo nổ, các nhà trường thường xuyên phối hợp với lực lượng công an tổ chức ngoại khóa tuyên truyền pháp luật về phòng, chống các hành vi sai phạm về pháo. Qua đó giúp cán bộ, giáo viên và học sinh nâng cao kiến thứ, hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật, không mua bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo nổ; không tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép; kịp thời phát hiện, tố giác, đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo…
Cùng với việc tổ chức tuyên truyền thông qua hoạt động ngoại khóa, nhiều nhà trường phối hợp với Đoàn thanh niên phát tờ rơi, tờ gấp, kết hợp với tuyên truyền miệng cho học sinh, từ cấp Tiểu học, THCS đến THPT trên địa bàn, giúp các em hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của việc sử dụng pháo nổ, mức xử phạt nếu vi phạm.
Đồng thời, các nhà trường, đơn vị giáo dục cũng phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức cho học sinh ký cam kết không mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ. Trên địa bàn thành phố Ninh Bình, 100% các trường từ Tiểu học, THCS đến THPT, với hàng trăm nghìn lượt học sinh đã tổ chức ký cam kết không mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ, không vi phạm các quy định về pháo cũng như vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ...
Hiện thời gian đến Tết Nguyên đán Tân Sửu không còn dài. Để không xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc do pháo gây ra, không chỉ là vai trò của nhà trường, lực lượng công an, mà rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội trong việc tuyên truyền, vận động học sinh và nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, thu hồi pháo. Tích cực phát hiện, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật về pháo, kiên quyết không để xảy ra tình trạng sử dụng pháo trái phép trong dịp Tết Nguyên đán 2021.
Bài, ảnh: Huy Hoàng