Có thể khẳng định TMĐT là một trong những công cụ rất quan trọng để thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế khi các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Lương Xuân Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Đối với Ninh Bình, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đã kết nối mạng Internet, sử dụng email để trao đổi công việc.
Một số doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã xây dựng website quảng bá thương hiệu, bước đầu bán hàng online và tham gia các sàn giao dịch trực tuyến.
Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng một số phần mềm chuyên dụng phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh như: Soạn thảo văn bản, kế toán tài chính, quản lý bán hàng...
Tuy nhiên, việc ứng dụng TMĐT tại các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh mới chỉ ở bước đầu, phần lớn các doanh nghiệp không có cán bộ chuyên trách về TMĐT, thiếu định hướng phát triển TMĐT, cá biệt có đơn vị chưa nhận thức được tầm quan trọng của TMĐT trong thời kỳ bùng nổ thông tin toàn cầu hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng website nhưng chưa thể tận dụng tối ưu lợi ích của website đem lại, website mới dừng ở mức giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ; các thông tin, hình ảnh còn đơn điệu, không được cập nhật thường xuyên, chưa tích hợp các công cụ đặt hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến...
Nhận thức được vai trò quan trọng của TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong những năm qua, Sở Công thương đã chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công thương và các cơ quan có liên quan tổ chức các hội nghị phổ biến, tuyên truyền pháp luật và kỹ năng ứng dụng về TMĐT, đồng thời triển khai các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia và ứng dụng TMĐT như hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng trang Web, tham gia sàn giao dịch TMĐT, triển khai các giải pháp Marketing online…
Từ năm 2013 đến nay, Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị như Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Ninh Bình đưa tin, bài về TMĐT trên báo, đài, website, tập trung vào các nội dung: Phổ biến các văn bản liên quan đến TMĐT, những lợi ích ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, tầm quan trọng và tính hiệu quả của TMĐT, cảnh báo những rủi ro và những mặt trái của TMĐT; quảng bá doanh nghiệp điển hình thành công trong ứng dụng và cung cấp dịch vụ TMĐT. Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng chú trọng công tác tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.
Giai đoạn 2013-2014, Sở đã phối hợp với Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Ecomviet) - Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương), tổ chức 4 lớp tập huấn về TMĐT cho khoảng 500 học viên là cán bộ quản lý nhà nước và lãnh đạo, cán bộ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, năm 2014, Sở Công thương đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lớp tập huấn về TMĐT cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh với nội dung tập huấn chuyên sâu; phối hợp với UBND thành phố Tam Điệp tổ chức lớp tập huấn TMĐT cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhằm mở rộng phạm vi tập huấn theo lĩnh vực và theo địa phương.
Năm 2013 và 2014, Sở đã hỗ trợ cho 40 doanh nghiệp xây dựng website (trong đó có 26 doanh nghiệp được hỗ trợ từ nguồn kinh phí địa phương); 24 doanh nghiệp triển khai hệ thống thư điện tử với tên miền dùng riêng cho doanh nghiệp; tư vấn cho trên 30 doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử phù hợp với mô hình của doanh nghiệp; phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ cho 6 doanh nghiệp tham gia Cổng thương mại điện tử quốc gia (ECVN) với tổng kinh phí là 120 triệu đồng.
Để tiếp tục củng cố và nâng cao nhận thức về pháp luật trong hoạt động TMĐT, đồng thời nâng cao hiệu quả ứng dụng TMĐT cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đầu tháng 7-2015, Sở tiếp tục phối hợp với Cục TMĐT (Bộ Công thương) tổ chức lớp tập huấn, giới thiệu các vấn đề về vai trò, lợi ích của TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Thông tư 47/2014/TT-BCT ngày 5-12-2014 của Bộ Công thương quy định về việc quản lý website TMĐT; Hướng dẫn thực hiện giao dịch an toàn trong thương mại trực tuyến; Tiếp thị trực tuyến, Mobile marketing…
Qua đó đã giúp các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình đến đông đảo các đối tác, người tiêu dùng; nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng với các bạn hàng trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đồng thời hiểu rõ về TMĐT, cách thức tiếp cận.
Ngoài ra, thực hiện lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, Sở đã triển khai cung cấp 11 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại.
Theo ông Lương Xuân Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương, nhiệm vụ trong thời gian tới của Sở là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về TMĐT cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị như xây dựng website và tham gia các sàn TMĐT uy tín để quảng bá thương hiệu, xúc tiến bán hàng.
Triển khai thực thi các quy định pháp luật liên quan đến TMĐT, trong đó tập trung vào hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp tại địa phương về các nội dung thông tin trên website, việc thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký website với Bộ Công thương. Đẩy mạnh đào tạo, bồi duỡng nguồn nhân lực TMĐT, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về TMĐT.
Đinh Chúc