Chính vì thế, ngày 13/12/2017 UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch số 130/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án xuất khẩu lao động tỉnh Ninh Bình. Để thực hiện có hiệu quả Đề án, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước.
Theo đó, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng để người dân nắm chắc thông tin, hiểu nội dung, quyền lợi khi tham gia Đề án, nhất là các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động xuất khẩu lao động.
Coi trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài PT-TH tỉnh, Báo Ninh Bình, hệ thống truyền thanh 3 cấp, các Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của các cấp, các ngành và cả hình thức tuyên truyền trực quan.
Trong quá trình tuyên truyền chú ý thông tin về thị trường lao động, điều kiện tuyển chọn, điều kiện làm việc và thu nhập của người lao động, phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động, để người dân có sự lựa chọn phù hợp với thực tiễn của bản thân và gia đình... từ đó hiểu và thực hiện tốt chính sách, pháp luật của nước sử dụng lao động, không bỏ trốn, vi phạm pháp luật nước sở tại.
Coi trọng tuyên truyền những gương điển hình đã hoàn thành thời gian lao động xuất khẩu, đạt mục đích của cá nhân đề ra như: Xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu từ số vốn tích lũy được khi đi xuất khẩu lao động... Chú ý tuyên truyền về hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm để người lao động chủ động liên hệ, tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường lao động, tham gia sàn giao dịch việc làm, không bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa gạt.
Cần làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực tham gia xuất khẩu lao động về tay nghề, ý thức kỷ luật lao động, ngoại ngữ... Tạo điều kiện để các đơn vị có chức năng xuất khẩu lao động liên kết với các cơ sở dạy nghề sát với thực tế công việc của các đối tác nước ngoài.
Việc đào tạo cần được áp dụng cả trước và sau khi trúng tuyển để người lao động nhanh chóng tiếp cận với công việc. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động và chính quyền địa phương trong công tác tư vấn, đào tạo, tuyển dụng để thực hiện ngay tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Ban hành và thực hiện chính sách, quy trình hỗ trợ vay vốn, mức hỗ trợ, cơ chế hỗ trợ, lãi suất tiền vay, thời hạn cho vay... với các đối tượng: Người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng, người lao động bị thu hồi đất, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ lao động thuộc địa bàn 55 xã đặc thù của tỉnh.
Tăng cường hợp tác giữa các sở, ngành, địa phương với doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Định kỳ tổ chức đánh giá kết quả công tác xuất khẩu lao động, lắng nghe ý kiến phản hồi để điều chỉnh phù hợp. Ngăn ngừa, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật trong xuất khẩu lao động, kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ này...
Nguyễn Kim