Trong đó có hơn 53.200 lượt hộ gia đình, hộ kinh doanh vay gần 8.400 tỷ đồng, chiếm 47,4%; 421 lượt doanh nghiệp vay trên 9.340 tỷ đồng, chiếm 52,5%. Những kết quả trên đã khẳng định vai trò chủ đạo trong đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh Ninh Bình.
Triển khai thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ, Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Ninh Bình đã thành lập Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị định 41 tại Ngân hàng NN&PTNT tỉnh và 9 chi nhánh tại các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. Đồng thời triển khai chương trình hành động của từng chi nhánh; hàng tháng, hàng quý và hàng năm tổ chức tổng kết đánh giá những việc làm được, những tồn tại; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích cao trong công tác tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Bên cạnh đó, Ngân hàng tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp chính quyền; phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh tiếp tục thực hiện nghị quyết liên tịch; triển khai thỏa thuận liên ngành; tổ chức hội nghị khách hàng; triển khai các giải pháp thực hiện đề án "Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Ninh Bình mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2010 và định hướng đến năm 2020"…
Lãnh đạo Ngân hàng NN&PTNT Ninh Bình cho biết: Ngân hàng đã đề ra các giải pháp chủ yếu đối với khách hàng để thực hiện tốt chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đối với khách hàng là hộ gia đình, ngân hàng chia làm 2 khu vực nông nghiệp, nông thôn và thành thị.
Tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhóm hộ nghèo và đối tượng chính sách từng bước chuyển sang vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng NN&PTNT có thể làm dịch vụ cho vay ủy thác. Số khách hàng còn lại, Ngân hàng NN&PTNT tỉnh tập trung đầu tư cho phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ trong nông nghiệp, nông thôn.
Khu vực thành thị, đầu tư cho các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hộ kinh doanh, các doanh nghiệp tư nhân thực hiện sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, tập trung ưu tiên cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nông thôn; các HTX chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp khép kín gắn với xuất khẩu, cung ứng vật tư cho nông nghiệp, nông dân, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn…
Sau 3 năm thực hiện Nghị định 41, doanh số cho vay của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Ninh Bình đạt trên 17.780 tỷ đồng. Trong đó có hơn 53.200 lượt hộ gia đình, hộ kinh doanh vay gần 8.400 tỷ đồng, chiếm 47,4%; 421 lượt doanh nghiệp vay trên 9.340 tỷ đồng, chiếm 52,5%. Trong quá trình thực hiện Nghị định, dư nợ tín dụng tăng liên tục, đảm bảo chất lượng tín dụng: 6 tháng năm 2010 tăng 4%; năm 2011 tăng 10%; năm 2012 tăng 14%; 8 tháng năm 2013 tăng 12% và đến ngày 31-8-2013 dư nợ nông nghiệp, nông thôn chiếm 76% trong tổng dư nợ của Chi nhánh.
Đáng ghi nhận là ngân hàng đã tạo điều kiện cho các đối tượng vay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong 8 tháng đầu năm 2013, Ngân hàng đã cho vay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 7 huyện, thị xã thí điểm xây dựng nông thôn mới với 31 xã là 3.551 tỷ đồng, chiếm 64% vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Có thể khẳng định, qua 3 năm thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ, với những nỗ lực của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Ninh Bình, nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực trong việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển hạ tầng cơ sở nông thôn, nâng cao trình độ dân trí, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình ở nông thôn, góp phần tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bài, ảnh: Bảo Yến