Huyện Yên Khánh từ đầu năm đến nay có gần chục trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có ổ dịch với số người mắc nội sinh cao nhất tỉnh với 5 người tại thôn Tiên Yên 2, xã Khánh Lợi. Theo y sĩ Phạm Thị Khuyên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Khánh Lợi, ngay sau khi phát hiện ổ dịch, cán bộ y tế xã đã nhanh chóng báo cáo lên Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để có biện pháp khoanh vùng, xử lý ổ dịch. Đồng thời triển khai ngay chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy, phòng, chống dịch bệnh SXH đến tất cả 12 thôn, xóm trên địa bàn xã, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Cùng với đó, cán bộ Trạm y tế xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình, từng người dân trên địa bàn những thông tin về bệnh SXH, cách phòng, chống và phát động nhân dân ra quân tổng vệ sinh môi trường, tổ chức thu gom và xử lý triệt để rác thải, đổ bỏ các chai lọ, dụng cụ chứa nước mưa, nước sạch, là nơi trú ngụ của muỗi vằn gây bệnh SXH. Nhờ sự vào cuộc nhanh chóng, tích cực, triệt để, đúng phác đồ, các bệnh nhân mắc SXH trên địa bàn thôn Tiên Yên 2 đều được điều trị khỏi bệnh, khu vực xuất hiện ổ dịch SXH nội sinh tại đây cũng nhanh chóng được khống chế, không xảy ra tình trạng lây lan dịch ra diện rộng.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 100 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 83 ca so với cùng kỳ năm 2018), trong đó có 18 trường hợp nội tỉnh, 6 ổ dịch sốt xuất huyết tại các xã, phường gồm: Khánh Lợi (Yên Khánh); Ninh Xuân (Hoa Lư); Gia Tân (Gia Viễn); phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình); Kim Hải (Kim Sơn); Yên Thịnh (Yên Mô); tuy nhiên, không có trường hợp nào tử vong. Cùng với đó, một số bệnh truyền nhiễm khác cũng có dấu hiệu gia tăng như: Sởi, ho gà, tay chân miệng, viêm gan vi rút... Cụ thể như, năm 2018 có 2 trường hợp bị ho gà, thời điểm này năm 2019 có 13 ca mắc; sởi có 64 trường hợp (tăng 44 ca); tay chân miệng là 53 ca (tăng 18 ca); viêm gan virut có hơn 1.500 trường hợp (tăng gần 500 ca)... Theo các bác sỹ, đa số các bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm đều chưa được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ. Thực tế cho thấy, từ chương trình tiêm chủng mở rộng, toàn tỉnh đã có hàng triệu liều vắc xin được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở phụ nữ và trẻ em.
Theo bác sỹ Trần Văn Thiện, Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thì nguyên nhân dẫn đến số ca mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao thời gian qua là do thời tiết diễn biến thất thường, thích hợp cho các loại vi sinh vật, vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh, nguy cơ lây nhiễm cao. Trước diễn biến phức tạp của các bệnh truyền nhiễm, với phương châm "dự phòng toàn diện và có trọng điểm", ưu tiên phòng chống các bệnh phát sinh theo mùa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã yêu cầu ngành Yy tế các huyện, thành phố chủ động hơn các biện pháp phòng, chống dịch như: Kiểm soát và xử lý tốt các điểm nguy cơ xuất hiện và lây lan bệnh sốt xuất huyết; giám sát các điểm giữ trẻ, gia đình không để bệnh tay chân miệng lây lan; giám sát các ca mắc bệnh sởi cũng như rà soát tình hình tiêm chủng trên địa bàn; cách ly điều trị các trường hợp mắc bệnh, không để dịch lây lan. Đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống các loại bệnh dịch cho người dân, về lợi ích, sự cần thiết phải đưa trẻ em trong độ tuổi đi tiêm chủng.
Hiện nay, ngành Y tế tiếp tục thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh kịp thời và theo quy định; triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh với phương châm không để xảy ra trường hợp tử vong, xử lý dứt điểm ổ dịch ngay từ ca bệnh đầu tiên. Đặc biệt hiện nay đang cuối mùa mưa bão, chuyển dần sang mùa đông, các bệnh truyền nhiễm người dân cần lưu ý phòng tránh như: Bệnh sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh về đường hô hấp như: cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi. Ngoài ra, cũng cần chú ý phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ; một số bệnh về da do nhiễm trùng, do nấm như ghẻ, nấm kẽ ngón chân… Và để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm trong mùa mưa, mùa đông mưa phùn rét lạnh sắp tới, người dân cần thực hiện các biện pháp giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước ăn uống, sinh hoạt; đồng thời tổ chức diệt muỗi, côn trùng; ngủ màn, nhất là màn có tẩm hóa chất; vệ sinh ăn uống, bổ sung dinh dưỡng hợp lý; giữ ấm cơ thể và tập luyện thể dục thể thao để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đồng thời, khi có dấu hiệu bị bệnh, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn cách phòng, chống và điều trị sớm để khỏi bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh