► Ngày 4-5, Đoàn giám sát tại Công an tỉnh và Sở Giao thông - Vận tải. Các đồng chí: Bùi Đắc Luyên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Quốc Hùng, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh đã dự buổi giám sát.
Tại Công an tỉnh Ninh Bình, Đoàn đã nghe lãnh đạo Công an tỉnh báo cáo kết quả thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ ngày 1-1-2008 đến 31-3-2009. Các đơn vị trong tỉnh đã chủ động bám sát Nghị quyết của Đảng ủy Công an tỉnh, sự chỉ đạo của Bộ Công an và của Tỉnh ủy, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 32/CP của Chính phủ.
Từ 1-1-2008 đến hết quý I - 2009 lực lượng CSGT toàn tỉnh đã lập biên bản xử lý 75.009 trường hợp vi phạm, phạt tiền 14,5 tỷ đồng, tạm giữ 10.863 phương tiện các loại. Việc xử lý vi phạm đã tác động mạnh đến ý thức của người tham gia giao thông, có tác dụng giáo dục, cảnh cáo người tham gia giao thông chủ động chấp hành Luật ATGT. Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để kiểm tra, giám sát vi phạm hành chính cũng như việc quản lý, sử dụng tiền thu phạt vi phạm hành chính được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
Đối với Sở Giao thông - Vận tải, đã thực hiện đầy đủ, kịp thời pháp luật về GTVT đường bộ, pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính nên đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết, số người bị thương. Thời gian qua thanh tra GTVT đã phát hiện lập biên bản 331 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt 284 trường hợp với tổng số tiền nộp Kho bạc Nhà nước là 143.185.000 đồng. Về thẩm quyền, trình tự thủ tục quản lý, sử dụng tiền thu phạt vi phạm hành chính được quản lý chặt chẽ, công khai, đúng nguyên tắc. Tuy nhiên việc xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, xe quá tải, quá khổ cho phép của cầu đường bộ, xe dù, bến cóc đạt hiệu quả chưa cao.
► Ngày 5-5, Đoàn tiếp tục giám sát tại Kho bạc Nhà nước Ninh Bình và Công an thị xã Tam Điệp Tại Kho bạc Nhà nước Ninh Bình, Đoàn giám sát đã nghe báo cáo về việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông nói chung và giao thông đường bộ nói riêng.
Thời gian qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước Ninh Bình, từ văn phòng Kho bạc tỉnh đến các Kho bạc Nhà nước huyện, thị xã, thành phố đã bố trí địa điểm, phương tiện, cán bộ thu phạt trực 24/24h trong các ngày, kể cả ngày lễ, Tết, thứ 7, chủ nhật để thu tiền phạt của các đối tượng một cách nhanh nhất, đảm bảo an toàn, thuận tiện. Hàng ngày (chậm nhất là sang ngày thứ 2), số tiền thu phạt tại các bàn thu của Kho bạc Nhà nước được tổng hợp nộp vào ngân sách Nhà nước và phân chia theo đúng tỷ lệ qui định.
Trong quá trình thu tiền phạt của các đối tượng, Kho bạc Nhà nước đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông trong việc đối chiếu, kiểm soát các quyết định xử phạt với biên lai thu phạt một cách chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng các đối tượng phải đi lại nhiều lần trong xử lý thu phạt. Năm 2008, Kho bạc Nhà nước đã thu phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông là trên 11,4 tỷ đồng, quý 1-2009 là trên 1,7 tỷ đồng.
Về quản lý biên lai thu phạt, việc giao nhận biên lai thu phạt giữa cơ quan Thuế và Kho bạc Nhà nước thực hiện theo chế độ quản lý ấn chỉ thuế ban hành kèm theo Quyết định số 30 của Bộ Tài chính. Việc giao nhận, vận chuyển, bảo quản biên lai thu phạt trong hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện theo quy định tại các công văn của Kho bạc Nhà nước về chế độ quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý trong hệ thống Kho bạc Nhà nước. Tuy vậy, việc thu tiền phạt vẫn còn một số khó khăn như: Việc bố trí cán bộ, thời gian, cách quản lý tiền thu phạt, phân bổ, hạch toán tiền thu phạt, nhận biên lai, quyết toán biên lai với cơ quan Thuế trong lĩnh vực trật tự ATGT đối với hệ thống Kho bạc Nhà nước Ninh Bình mất nhiều thời gian, công sức và các chi phí. Từ khó khăn trên, Kho bạc Nhà nước tỉnh kiến nghị nên có tỷ lệ hợp lý trích trong kinh phí an toàn giao thông thu được cấp cho Kho bạc Nhà nước để bù đắp vào các chi phí.
Giám sát tại Công an thị xã Tam Điệp, Đoàn đã nghe lãnh đạo đơn vị báo cáo tình hình công tác đảm bảo TTATGT năm 2008, quí 1/2009. Trong những năm qua, các cấp, các ngành của thị xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo TTATGT, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông với nhiều hình thức, biện pháp phong phú nên ý thức tôn trọng pháp luật giao thông của nhân dân trên địa bàn được nâng lên. Thời gian qua, lực lượng Công an thị xã đã tiến hành tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường. Công tác xử lý các hành vi vi phạm TTATGT đảm bảo đúng trình tự, đúng qui định của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, nội dung các Nghị định về về an toàn giao thông đường bộ, xử lý đúng thẩm quyền quy định. Từ 1/1/2008 đến 31/3/2009, công an thị xã Tam Điệp đã xử phạt hành chính trên 5760 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 810 triệu đồng. Tuy nhiên, số vi phạm còn nhiều; tình hình vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt vẫn còn xảy ra. Năm 2008, trên địa bàn thị xã xảy ra 20 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 25 người, bị thương 7 người; Quí 1/2009, xảy ra 3 vụ, làm chết 4 người.
Phát biểu kết luận giám sát tại hai đơn vị, đồng chí Phạm Quốc Hùng, Ủy viên thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Kho bạc nhà nước tỉnh, Công an thị xã Tam Điệp. Đồng chí cũng ghi nhận những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, trên cơ sở đó Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổng hợp, đề xuất các giải pháp, kíến nghị để thực hiện tốt hơn pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong thời gian tới.
Nhóm PV Chính trị