Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện đang diễn biến phức tạp hơn trong nước, các ngành kinh doanh dịch vụ gồm hoạt động du lịch, dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn tỉnh lại tiếp tục phải tạm ngừng hoạt động bắt đầu từ 00 giờ ngày 18/7/2021.
Bên cạnh đó, các loại hình kinh doanh được phép hoạt động phải thực hiện nghiêm thông điệp "5K" và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Do đó, ngành thương mại, dịch vụ trong tháng có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, tuy nhiên tính chung 7 tháng vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Sở Công thương, doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 7 ước đạt trên 2.772,8 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng tháng năm trước, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 7 tháng đầu năm 2021. Tính chung lại, 7 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước thực hiện trên 19.699,1 tỷ đồng, tăng 25,1% so với 7 tháng năm 2020.
Có thể thấy, dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế và đời sống xã hội cũng như từng gia đình, từng cá nhân. Việc cắt giảm chi tiêu làm cho các dịch vụ thương mại bị suy giảm. Chính vì thế, để thúc đẩy hoạt động thương mại nội địa các doanh nghiệp buộc phải chủ động nắm bắt tâm lý tiêu dùng; điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với các biến động của thị trường để thích ứng, duy trì hoạt động và vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, quản lý siêu thị Go! chia sẻ: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tại khu vực phía Bắc, Công ty đã chỉ đạo chi nhánh các tỉnh tăng cường nguồn cung hàng hóa, đa dạng các kênh bán hàng, kéo dài thời hoạt động đến 22h đêm. Đồng thời để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch ngoài việc mở cửa cho mọi người đến mua sắm trực tiếp, siêu thị cũng tăng cường kênh bán hàng trực tuyến như: Ứng dụng GO! & Big C; Hotline mua hàng 1900 1880, Zalo shop, Grab mart, Now...Lượng khách hàng đặt hàng online trong thời gian này tăng rất cao.
Không chỉ có các doanh nghiệp lớn, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng bắt đầu thay đổi để thích nghi với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Thúy, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo trẻ em tại huyện Nho Quan biết: Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, lượng hàng bán trực tiếp giảm hẳn. Khách hàng không mấy mặn mà với việc mua sắm các mặt hàng không thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày. Doanh thu của cửa hàng chỉ đủ để duy trì cửa hàng.
Nhưng gần đây, nắm bắt xu thế chuyển đổi bán hàng qua các kênh thương mại điện tử cửa hàng đã bán hàng trên trang Lazada và livestream trực tiếp trên facebook. Doanh thu 2 tháng gần đây tăng vọt. Một buổi bán hàng livestream có thể chốt hàng trăm đơn ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Đây là một hướng đi đúng mà bấy lâu nay chúng tôi chưa biết đến.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho rằng: Dịch COVID-19 kéo dài quá lâu đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng từ trực tiếp sang trực tuyến, nhất là sau khi chính quyền địa phương liên tục có những yêu cầu siết chặt công tác phòng, chống dịch trong điều kiện phức tạp như hiện nay. Xu hướng này dự kiến còn kéo dài vì vậy doanh nghiệp, kể cả những hộ kinh doanh nhỏ lẻ cần chú ý để khai thác sâu các kênh bán hàng theo xu hướng người tiêu dùng mua sắm trong tương lai.
Để giúp cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thích nghi thích nghi với xu thế bán hàng trong điều kiện dịch bệnh hiện nay đồng thời đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại nội địa, Sở Công thương cũng hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vào quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các sàn thương mại điện tử phục vụ quảng bá sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh.
Đặc biệt từ đầu năm đến nay Sở đã hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đăng ký chương trình bán hàng miễn phí trên các nền tảng Thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Lazada...
Xác định thương mại điện tử là một xu hướng kinh doanh tất yếu, trong thời gian tới Sở Công thương tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, định hướng người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ bán hàng uy tín; đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với hoạt động thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Bảo Yến