Xã đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Đảng bộ làm Trưởng ban; UBND xã thành lập bộ phận giúp việc; các xóm thành lập tiểu ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư chi bộ làm Trưởng tiểu ban. Xã cũng tổ chức đoàn cán bộ đi tham quan và học tập kinh nghiệm dồn điền, đổi thửa tại xã Khánh Nhạc (Yên Khánh). Bộ phận giúp việc, chuyên môn đã phối hợp với các xóm, đội tiến hành khảo sát lại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã, đường giao thông nội đồng, bờ vùng, bờ thửa, hệ thống kênh mương. Theo đó, tổng diện tích đất nông nghiệp trồng cây hàng năm của xã là 360,2 ha; có 25,8 ha do xã quản lý và 334,3 ha giao cho 1.718 hộ. Bình quân toàn xã có 4,05 thửa/hộ, hộ nhiều nhất là 9 thửa, hộ ít nhất 2 thửa. Hệ thống giao thông nội đồng: đường trục chính đã được đầu tư nâng cấp; bờ vùng, bờ thửa bị sạt lở, nhỏ, có chỗ không còn phù hợp... Qua khảo sát và căn cứ vào tình hình thực tế đồng ruộng của các xóm, đội sản xuất, Ban chỉ đạo xã xác định: Dựa theo đường trục chính để thiết kế lại hệ thống đường giao thông nội đồng và kênh mương hợp lý, với bề mặt đường là 3m, kênh mương rộng 1,5m; phá bỏ bờ vùng, bờ thửa, kênh mương cũ không còn phù hợp. Theo kế hoạch, toàn xã có 136 tuyến đường nội đồng, trong đó làm mới 121 tuyến, sửa chữa bồi trúc 15 tuyến; 51 kênh mương, trong đó đào mới 16 kênh mương, nạo vét 35 kênh mương. Tổng khối lượng đất đào đắp đường nội đồng và kênh mương là 54.423 m3 với giá trị khoảng 2.449 triệu đồng. Vận động nhân dân hiến đất để làm đường thông, kênh mương cũng như đóng góp kinh phí (191.000 đồng/sào chia làm 3 năm) để làm đường giao thông nông thôn. Trên cơ sở số hộ, diện tích đất đã giao theo Quyết định 313 của UBND tỉnh, trừ phần diện tích do Nhà nước đã thu hồi, các xóm chuyển đổi ruộng ở các vùng để mỗi nơi chỉ còn từ 1-2 xứ đồng và xây dựng phương án chuyển đổi ruộng của các hộ gia đình đang sinh sống ổn định theo địa bàn hành chính xóm về xứ đồng của mình với việc mỗi hộ chỉ còn từ 1-2 thửa. Khuyến khích các hộ chuyển đổi ruộng cho nhau để còn 1 thửa, phấn đấu bình quân toàn xã còn 1,5 thửa/hộ, ưu tiên vị trí thuận lợi cho hộ, gia đình chính sách. Quá trình thực hiện phải đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, có sự bàn bạc, thảo luận, thống nhất, đồng tình ủng hộ của nhân dân; chống tư tưởng cục bộ, cá nhân...
UBND xã đã xây dựng kế hoạch và phương án thực hiện dồn điền, đổi thửa, đồng thời tổ chức hội nghị với sự tham gia của cán bộ, đảng viên từ thôn, xóm trở lên, các ngành, đoàn thể tham gia đóng góp ý kiến, bổ sung vào kế hoạch, phương án dồn điền, đổi thửa. Các xóm đã tổ chức họp dân lấy ý kiến vào kế hoạch, phương án dồn điền, đổi thửa của xã. Đã có 1.047/1.718 hộ dân tham gia ý kiến. Nhìn chung, các hộ dân đều nhất trí cao với phương án, kế hoạch dồn điền, đổi thửa của xã. Ông Lưu Văn Thịnh (xóm 8) cho biết: Dồn điền, đổi thửa không chỉ giúp cho các hộ gia đình canh tác nông nghiệp thuận lợi, giảm chi phí đầu tư, đưa máy móc vào đồng ruộng, nâng cao hiệu quả sản xuất... mà còn tạo điều kiện cho các hộ gia đình có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi mô hình sản xuất và làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình. Đây là vấn đề mà gia đình tôi và nhiều hộ gia đình khác đã mong muốn từ lâu, bởi nếu chỉ có thâm canh cây lúa đơn thuần thì khó có thể làm giàu từ nghề nông được.
UBND xã đã hợp đồng với các chủ máy xúc thực hiện đào đắp đường giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương theo thiết kế, đồng thời thành lập tiểu ban quản lý giám sát thi công nhằm đảm bảo chất lượng và mỹ thuật các công trình. Đến nay tổng khối lượng đào đắp đạt khoảng 20.000 m3, dự kiến sẽ hoàn thành công tác chỉnh trang đồng ruộng trước ngày 15-12-2013. Từ ngày 28-11 đến 15-12, các xóm sẽ xây dựng phương án chi tiết dồn điền, đổi thửa của mình thông qua Chi bộ, tổ chức họp dân thông qua phương án chia ruộng và tổ chức cho nhân dân bốc thăm vị trí ruộng. Từ ngày 20-12, các xóm tổ chức cho nhân dân nhận ruộng tại thực địa, hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ và nộp về Ban chỉ đạo. Như vậy, đến vụ đông xuân 2013-2014, nông dân xã Thượng Kiệm sẽ bắt đầu canh tác trên mảnh ruộng, khu ruộng mới của mình với những điều kiện thuận lợi hơn, nâng cao thu nhập và tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Đồng chí Phạm Hữu Cân, Chủ tịch UBND xã cũng cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thượng Kiệm đã có 14 trong 19 tiêu chí đạt được. Đối với Thượng Kiệm còn 4 tiêu chí nữa chưa hoàn thành là tiêu chí: hộ nghèo, thủy lợi nội đồng, giao thông nội đồng, cơ sở vật chất văn hóa xã. Việc thực hiện dồn điền, đổi thửa lần này gắn với chỉnh trang lại đồng ruộng là cơ sở để Thượng Kiệm hoàn thành các tiêu chí: hộ nghèo, thủy lợi, giao thông nội đồng ..., phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới vào cuối năm 2014.
Bài, ảnh: Đinh Chúc