Là mô hình kinh tế đa canh cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh Nguyễn Ngọc Tỉnh ở xóm 8, xã Thượng Kiệm đã tiên phong trong phong trào nuôi trồng thủy sản. Anh Nguyễn Ngọc Tỉnh cho biết: Năm 2012, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, gia đình tôi nhận đấu thầu 4ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế đa canh. Trên diện tích 4ha, 1ha mặt nước được tôi khoanh vùng, đầu tư nuôi tôm thẻ, còn lại phần đất cao trên bờ kết hợp trồng rau xanh các loại theo mùa và cây ăn quả để phục vụ nhu cầu thị trường…
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc nạo vét để có độ sâu mặt nước phù hợp, xây dựng hệ thống nước vào - ra đến tuân thủ quy trình nuôi thả theo đúng kỹ thuật, nên ngay từ đầu vụ nuôi tôm thẻ, gia đình anh Nguyễn Ngọc Tỉnh đã có thu hoạch khá. Anh Tỉnh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi thả lên 2ha; đồng thời tích cực quay vòng rau màu, chăm sóc cây ăn quả.
Sau gần 5 năm phát triển mô hình kinh tế đa canh, hiện việc nuôi tôm của gia đình anh Tỉnh đang khá thuận lợi, tôm ít dịch bệnh, cho năng suất cao, đầu ra ổn định. Riêng năm 2016, anh Tỉnh thu hoạch được trên 8 tấn tôm thương phẩm, trừ chi phí thu lãi trên 200 triệu đồng. Cùng với thu nhập từ rau màu, cây ăn quả, mỗi năm gia đình anh thu lãi 250-300 triệu đồng.
Ông Phạm Tiến Mạnh, Chủ tịch UBND xã Thượng Kiệm cho biết: Xác định nông nghiệp là hướng sản xuất chủ đạo để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động bà con nhân dân tận dụng diện tích đất đai, mở rộng sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, tự phát lâu đời trong nhân dân.
Theo đó, ngoài duy trì phát triển các cây lương thực truyền thống, xã đã vận động người dân mở rộng diện tích đất sản xuất các loại cây rau màu; tiếp tục dồn điền đổi thửa, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh một số loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Trong sản xuất nông nghiệp, xã đã đưa trên 80% diện tích lúa chất lượng cao vào sản xuất, cho năng suất trên 121 tạ/ha/năm.
Đồng thời tạo điều kiện cho bà con nông dân chuyển đổi trên 30ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình kinh tế đa canh, phát triển mô hình chăn nuôi gia trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp. Hiện xã đã hình thành trên 20 gia trại chăn nuôi gia cầm, gia súc kết hợp với nuôi thủy sản, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua đánh giá thống kê của xã, giá trị sản xuất bình quân của mỗi gia trại đạt từ 50-200 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Mỗi năm, tổng thu từ chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò, gia cầm, thủy cầm… trên địa bàn xã đạt trên 400 tấn.
Cùng với phát triển kinh tế nông nghiệp, xã Thượng Kiệm vận động nhân dân thực hiện đa dạng hóa các ngành nghề, giải quyết việc làm. Ngoài nghề sản xuất và chế biến cói truyền thống, trên địa bàn xã đang phát triển thêm các ngành nghề như nề, mộc, vận tải thủy bộ, chế biến lương thực - thực phẩm, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ…
Xã cũng đã có nhiều chính sách ưu tiên khuyến khích các hộ gia đình mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, làm nghề tiểu thủ công nghiệp như: Tạo điều kiện để các hộ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh một cách thuận lợi, nhanh chóng; chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể ở xã chủ động phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động…
Hiện xã có 6 làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận, giải quyết việc làm cho trên 2 nghìn lao động tại địa phương lúc nông nhàn với mức thu nhập bình quân từ 50-100 nghìn đồng/người/ngày. Năm 2016, kết quả sản xuất TTCN và dịch vụ trên địa bàn xã đạt 156 tỷ đồng, chiếm 66% tổng thu nhập toàn xã.
Đặc biệt, để thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Đến hết năm 2016, toàn xã có 982 hộ được vay vốn của ngân hàng với số tiền trên 27 tỷ đồng; trong đó có 440 hộ vay trên 19 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, 542 hộ vay gần 8 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Cùng với các giải pháp trên, xã Thượng Kiệm cũng chú trọng nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở; chỉ đạo các Hội, đoàn thể có trách nhiệm giúp đỡ đoàn viên, hội viên về sử dụng vốn, kiểm tra cách thức làm ăn của các hộ để có sự hướng dẫn cụ thể, hiệu quả trong xóa đói, giảm nghèo.
Các tổ chức Hội, đoàn thể đã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện, Trung tâm dạy nghề huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo chưa có việc làm trên địa bàn tiếp thu được những kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, từng bước ổn định cuộc sống.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân, đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Thượng Kiệm đạt trên 32,5 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 7,15%. Tiêu chí thu nhập của người dân ổn định và bền vững đã góp phần giúp Thượng Kiệm giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Kim Sơn.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh