Xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan có 1893 hộ với 6928 khẩu. Là một xã miền núi, lại nằm trong số 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh, Thượng Hòa có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Chính vì vậy, khi Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, Đề án 15 của UBND tỉnh được ban hành với nhiều chính sách quan tâm đến các xã nghèo, vùng nghèo, cán bộ và nhân dân trong xã rất phấn khởi đón nhận, xác định đây là đòn bẩy để vươn lên, từng bước giảm nghèo bền vững. Đảng ủy, UBND xã và các tổ chức đoàn thể đã triển khai xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể thực hiện công tác giảm nghèo, đồng thời tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, Đề án 15 của UBND tỉnh tới cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Ông Hà Xuân Hinh, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: Vốn là một xã thuần nông, nên Đảng ủy, UBND xã xác định hướng đi trước mắt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Tuy nhiên, do đặc điểm là vùng chiêm trũng, điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên sản xuất nông nghiệp ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Tổng diện tích trồng lúa của xã là hơn 600 ha thì có tới gần 30% diện tích lúa ở ngoài đê.Vì vậy, năng suất cấy lúa phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Năm nào lũ tiểu mãn về sớm (từ 10 đến 15-4) thì diện tích lúa ngoài đê coi như mất trắng.
Vụ lúa xuân năm 2010, xã đã đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy thử nghiệm trên diện tích 40 ha. Tuy nhiên, kết quả thực tế mới chỉ đạt bình quân 2 tạ/sào, tương đương với năng suất của các giống lúa bình thường. Ông Hà Xuân Hinh, Phó Chủ tịch UBND xã giải thích: Năng suất lúa cao sản chưa đạt kết quả cao là do xã chưa quy hoạch được vùng riêng để trồng lúa cao sản. Đồng đất không bằng phẳng, trong khi đó thì hệ thống kênh mương phần lớn là mương đất, lại được xây dựng từ rất lâu nên đang xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng đó khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc tưới và tiêu, dẫn đến thất bát trong sản xuất. Cũng do chưa hoàn thiện được hệ thống thủy lợi nội đồng, nên việc đưa cây vụ đông vào sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy của xã gặp nhiều khó khăn, hiệu quả rất thấp. Được biết, trong các cuộc họp quan trọng, Đảng ủy xã đều bàn tới việc nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, do đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nên chưa thể huy động sự đóng góp để thực hiện dự án vào thời điểm này.
Không "bám trụ" được vào đồng ruộng, lại chẳng có việc làm thêm lúc nông nhàn, nên nhiều lao động trong xã phải khăn gói đi tìm việc làm ở nơi khác. Ông Nguyễn Văn Điều, cán bộ LĐ, TB&XH của xã nói: Năm 2008, một số doanh nghiệp của tỉnh về mở lớp dạy trồng nấm, đan chiếu trúc, bèo bồng…cho bà con trong xã. Nào ngờ, học viên chưa kịp rành nghề thì doanh nghiệp đã bỏ lại cả nguyên vật liệu mà…cao chạy xa bay. Chỉ có nghề đan bèo bồng là duy trì được một thời gian, song, do ngày công thấp (9000/người/ngày) nên bà con cũng bỏ dần. Thời gian qua, thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, xã đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của nhân dân trong xã. Trên cơ sở đó, báo cáo với huyện để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với lao động địa phương. Tuy nhiên, trong tổng số 4000 lao động thì mới chỉ có… 200 lao động có nguyện vọng đăng ký học nghề đính hạt cườm. Nhiều lao động cho biết, họ rất muốn được học nghề, có việc làm, song chưa dám đăng ký học nghề vì còn e ngại những thất bại ở các lớp học trước đó.
Thực tế đã cho thấy, bài toán đặt ra cho chặng đường phát triển KT-XH của Thượng Hòa là khá gian nan. Để giải quyết bài toán khó này, Thượng Hòa rất cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà nước trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tìm ra những giống cây, con phù hợp với điều kiện, đồng đất của địa phương. Và quan trọng hơn, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho bà con về công tác xóa đói giảm nghèo, kiến thức, kỹ năng làm nông nghiệp để từ đó phát huy nội lực từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thu Hằng