Ông Chu Đức Trường sinh năm 1959 tại Văn Lâm, xã Ninh Hải. Năm 1977, ông hăng hái xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc. Vào quân ngũ, ông Trường tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Năm 1978, ông Trường bị thương tại biên giới tỉnh An Giang rồi xuất ngũ về địa phương với mức thương tật 24%. Lập gia đình và lần lượt sinh 4 người con, cuộc sống của thương binh Chu Đức Trường có thời điểm gặp nhiều khó khăn.
Vậy nhưng, thấm thía lời dạy của Bác "Thương binh tàn nhưng không phế", ông Trường tiếp tục phát huy phẩm chất của bộ đội cụ Hồ trong "cuộc chiến" với cái đói, cái nghèo. Ông Trường chia sẻ: Sinh ra ở nơi có nghề thêu truyền thống, vì vậy tôi quyết tâm theo đuổi nghề mà cha ông để lại. Nhưng với tôi, làm nghề thêu không chỉ là hướng đi để phát triển kinh tế, mà đó còn là một cách để bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của vùng quê Văn Lâm.
Với niềm tâm huyết dành cho nghề thêu truyền thống, ông Trường thành lập doanh nghiệp thêu ren xuất khẩu Đức Trường với mong muốn đưa sản phẩm của làng nghề đi xa hơn, giới thiệu đến với nhiều nước trên thế giới.
Đến nay, các sản phẩm thêu thủ công của doanh nghiệp có mặt ở thị trường một số nước châu Âu và châu á. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu thông qua các hợp đồng ký kết với các đối tác nước ngoài. Không chỉ mở xưởng ở địa phương, doanh nghiệp của ông Trường còn tổ chức nhiều điểm sản xuất ở các địa phương trong và ngoài huyện. Hướng đi này không chỉ nhằm bảo đảm tiến độ, thời gian, số lượng hàng cho khách mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân các địa phương trong thời điểm nông nhàn.
Hiện nay, doanh nghiệp thêu ren xuất khẩu Đức Trường đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động địa phương và nhiều lao động thời vụ với mức thu nhập ổn định. Năm 2016, ông Trường được UBND tỉnh Ninh Bình phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề thủ công mỹ nghệ thêu ren của địa phương. "Ngày nay, thế hệ trẻ ở Văn Lâm không còn nhiều người mặn mà với nghề thêu ren truyền thống, vì vậy với trách nhiệm của một nghệ nhân, tôi nỗ lực hết sức để tạo được thành tựu nhất định trong sự nghiệp làm nghề thêu. Thành tựu ấy không đơn thuần chỉ nhằm đưa kinh tế gia đình phát triển mà quan trọng hơn nữa là qua đó nhằm lan tỏa được tình yêu nghề đến với số đông bạn trẻ"- ông Trường chia sẻ.
Ngoài phát triển sản phẩm thêu ren truyền thống của địa phương, gia đình ông Trường còn đầu tư phát triển nghề trồng cây cảnh, đặc biệt là cây phong lan mang lại giá trị kinh tế cao. Hàng năm, tổng thu nhập từ nghề thêu ren và trồng cây cảnh của gia đình ông Trường đạt trên 500 triệu đồng. Không chỉ tích cực phát triển kinh tế và tham gia các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương, gia đình thương binh Chu Đức Trường còn nổi tiếng trong vùng vì nuôi dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc. Sinh được 4 người con, hai trai, hai gái, các con ông đều học hành giỏi giang và có công ăn việc làm ổn định.
Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc, thương binh Chu Đức Trường nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh và huyện Hoa Lư. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7 vừa qua, ông Trường đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và dự hội nghị biểu dương thương binh tiêu biểu toàn quốc năm 2018.
Đào Hằng