Nhờ đó, đời sống của người dân được cải thiện, diện mạo nông thôn nhiều vùng quê đổi thay và phát triển theo hướng tích cực. Tuy nhiên, vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở tỉnh ta vẫn còn nhiều mảng yếu. Trong quá trình tác động của CNH-HĐH, vấn đề đó càng bộc lộ rõ hơn. Một trong những mảng yếu đó là chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển...
Khi nhà nông… chưa giỏi nghề nông
Xuất ngũ trở về quê, anh thương binh Nguyễn Văn Át, thôn Hoàng Long, xã Gia Trung (Gia Viễn) trăn trở kiếm kế mưu sinh. Không có sức khỏe để đi làm công nhân, anh quyết chí "bám ruộng" làm giàu ngay trên quê hương mình. Anh tham gia các lớp chuyển giao KHKT do huyện tổ chức, đồng thời nghiên cứu kỹ đặc điểm của đồng đất địa phương, từ đó đưa vào gieo cấy những giống lúa, cây trồng phù hợp, ngoài ra anh còn tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi… cho năng suất cao. Đến nay, mô hình VAC của anh đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cuộc sống khá giả, anh lại có điều kiện học tập, tham khảo tài liệu, nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Gặt hái thành công, anh càng hiểu hơn ý nghĩa câu "Tấc đất, tấc vàng".
Lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại Trường Trung cấp nghề tư thục Thanh Bình (Thành phố Ninh Bình) . Ảnh: Phương Loan
Ở vùng quê sống chủ yếu bằng nghề nông, những người trở thành triệu phú từ nông nghiệp như anh Át chưa nhiều. Vợ chồng anh Đinh Văn Đ, thôn Văn Hà, xã Gia Phương (Gia Viễn) có hơn 1 mẫu ruộng. Chưa phải nuôi con cái học hành, mà năm nào gia đình anh cũng thiếu ăn. Nói đến việc áp dụng KHKT vào sản xuất, anh Đ cho biết: "Ôi dào, nhà tôi làm nghề nông từ bao đời nay, cày cấy quen tay rồi đâu phải học thêm. "Được", "mất" là do ông trời cả thôi. Làm ăn có vận hạn cả. Năm ngoái, tôi đầu tư 2 triệu để mua gà giống về nuôi. Nửa tháng đầu, đàn gà lớn nhanh như thổi, ấy thế mà chẳng biết chúng bị bệnh gì, cứ "gật gù" rồi lăn ra chết gần hết. Những con còn lại còi cọc không lớn nổi… Đó không phải là "vận hạn" sao?". Vậy là, anh Đ để lại ruộng cho vợ ở nhà cày cấy, còn mình khăn gói đi làm ăn xa. Những người phải "ly hương" đi nơi khác tìm việc làm như anh Đ ngày càng nhiều. Điều đó giải thích phần nào cho hiện tượng lực lượng lao động trên đồng ruộng đa phần là phụ nữ, thậm chí cả người già. Từ đó, dẫn đến tình trạng sản xuất nông nghiệp bấp bênh, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp không có lãi, người lao động không chú trọng đầu tư KHKT, phân bón cho sản xuất trên đồng ruộng.
Trường hợp gia đình anh Hoàng Văn T ở xã Gia Tân thì lại khác. Ruộng đất nhà anh thuộc diện bị thu hồi để phục vụ CCN Gián Khẩu. Bao đời nay gắn bó với nghề nông, bây giờ rời đồng đất vợ chồng anh loay hoay tìm kế sinh nhai. Anh T cho biết: "Vợ tôi ở nhà quán xuyến gia đình, làm thêm nghề phụ. Còn tôi, may mắn được nhận vào làm ở Công ty chế biến gỗ xuất khẩu Tài Anh. Làm ở bộ phận đơn giản nên tôi đảm đương được công việc. Nhưng thu nhập thì chỉ được 1,2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó phải "gánh" biết bao khoản: 3 đứa con ăn học, tiền sinh hoạt gia đình… Đời sống gia đình rất chật vật". Dù sao thì anh T cũng được coi là may mắn nếu so sánh với những lao động thuộc diện bị thu hồi đất nhưng chưa có việc làm. Trong đó, tỷ lệ lao động ở độ tuổi 25-35 chiếm tỷ lệ cao. Và, 90% trong số họ chưa qua đào tạo nghề.
Cần hướng đi mới
Nông thôn là nơi dự trữ, cung cấp nguồn lao động rất dồi dào. Hơn nữa, giá nhân công lại rất rẻ, đây chính là những yếu tố để nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước có xu hướng đầu tư vào các vùng nông thôn. Tuy nhiên, lao động giá rẻ đồng nghĩa với chất lượng lao động còn hạn chế, người lao động không đáp ứng được xu thế đổi mới, sử dụng công nghệ sản xuất, quản lý ngày càng cao của doanh nghiệp…
Ông Hà Đăng Phượng, Phó Giám đốc Công ty chế biến gỗ xuất khẩu Tài Anh nhận định: "Một lao động thủ công chỉ có mức lương trung bình khoảng 1,2 triệu đồng/tháng, trong khi những lao động có nghề thì được hưởng mức lương từ 3,5-4,5 triệu đồng/tháng. Đây là một khoảng cách rất lớn. Hiện, chúng tôi có 200 lao động. Khi mới tuyển dụng, hầu hết những lao động này đều chưa qua đào tạo nghề. Tuyển những nhân công giá rẻ, chúng tôi có thể tiết giảm được một phần trong quỹ tiền lương, nhưng thực tế chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra để đào tạo, đầu tư cho công nhân sẽ cao hơn nhiều.
Nếu trước đây nhân công giá rẻ được coi là lợi thế để thu hút đầu tư, thì hiện nay đó là một rào cản. Bởi trình độ lao động thấp đồng nghĩa với việc làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao. Thời gian tới, khi tiến hành tuyển dụng, chúng tôi sẽ có yêu cầu khắt khe hơn về trình độ người lao động. Bởi thực tế, dù doanh nghiệp có dành thời gian từ 8 tháng đến hơn 1 năm để đào tạo, thì mức độ tiếp thu của người lao động chưa từng qua đào tạo cũng có giới hạn…". Như vậy, để giải quyết được bài toán việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn, thì vấn đề mấu chốt chính là các địa phương phải nỗ lực nâng cao chất lượng lao động.
Ông Đinh Phúc Dật, Phó trưởng Phòng LĐTB-XH huyện Gia Viễn cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền giúp người lao động hiểu được ý nghĩa của việc học nghề. Việc học nghề không chỉ để có bằng cấp mà còn phải đáp ứng nhu cầu công việc của xã hội. Người lao động vốn "ngại" học nghề bởi lẽ họ lo ngại rằng khi học xong sẽ không tìm được việc làm. Để giải quyết vấn đề này, huyện đã xây dựng đề án thành lập Trung tâm dạy nghề. Trung tâm này cùng các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ liên kết đào tạo. Cụ thể, Trung tâm sẽ đào tạo lao động theo "đơn đặt hàng" của doanh nghiệp. Như vậy, lao động khi hoàn thành khóa học sẽ được bố trí việc làm. Còn phía doanh nghiệp, họ sẽ tuyển được những lao động có trình độ, kỹ thuật đạt yêu cầu".
Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng hơn nữa việc đào tạo nghề nông cho nông dân và các chủ trang trại nhằm giúp họ nâng cao kiến thức hiểu biết về khoa học - kỹ thuật, hướng tới năng suất lao động cao, chất lượng tốt, giá thành hạ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hướng dẫn họ biết làm nghề nông một cách khoa học, có kỹ năng quản lý, có kiến thức thị trường để lựa chọn nghề sản xuất ra loại sản phẩm có giá trị cao, thị trường tiêu thụ rộng... Có như vậy, nhiều nhà nông mới có cơ sở để vươn lên trở thành triệu phú.
Thu Hằng