PV: Đồng chí cho biết vài nét về vị trí vai trò của cây xanh và rừng đối với tỉnh nhà? Đ/c Nguyễn Văn Dương: Rừng và cây xanh có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của con người và môi trường sinh thái như: Cung cấp gỗ, củi, điều hòa khi hậu, tạo ra oxy, điều hòa nguồn nước, là nơi cư trú của động thực vật và tàng trữ các nguồn gen quý hiếm, bảo vệ và ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất và bảo vệ sức khỏe của con người. Rừng Ninh Bình còn góp phần quan trọng thúc đẩy ngành kinh tế du lịch phát triển, nhất là loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh.
Trong những năm qua, mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, nhưng lâm nghiệp Ninh Bình vẫn đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Diện tích rừng tăng nhanh qua các năm, độ che phủ rừng năm 2017 và 2018 đạt 18,8%, lợi ích kinh tế từ rừng được khẳng định, giá trị sản xuất tăng. Công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo từ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
PV: Xin đồng chí cho biết kết quả trồng cây, gây rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Đ/c Nguyễn Văn Dương: Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh bình quân mỗi năm trồng được trên 1.000.000 cây phân tán trồng chủ yếu ven đường giao thông, kênh mương, công sở, trường học, bệnh viện, công viên, vườn hộ...Những cây xanh đã trồng khắp các vùng trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo nên môi trường sống xanh - sạch - đẹp.
Diện tích rừng phòng hộ trung bình mỗi năm đạt 40 ha, diện tích còn thấp nguyên nhân là do vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, đất trồng rừng phòng hộ chủ yếu ở địa hình khó khăn nên không thu hút được người dân, doanh nghiệp tự bỏ vốn để trồng rừng. Trong thời gian tới tập trung chỉ đạo cải tạo làm giàu rừng trồng kém chất lượng, năng suất thấp. Diện tích trồng rừng sản xuất sau khai thác trên địa bàn tỉnh trung bình mỗi năm đạt 410,5 ha.
Việc phát triển rừng sản xuất chưa thực sự đi theo hướng thâm canh, tăng năng suất và giá trị; tình trạng trồng rừng quảng canh, thiếu kỹ thuật của các hộ dân vẫn còn phổ biến. Chưa có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển trồng rừng thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng đồi núi. Việc tận dụng đất trong những năm đầu chu kỳ sản xuất lâm nghiệp lãng phí.
PV: Vậy kế hoạch năm 2019 và Tết trồng cây xuân Kỷ Hợi thế nào? Ngành nông nghiệp và các địa phương đã chuẩn bị đến đâu?
Đ/c Nguyễn Văn Dương: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 490/UBND-VP3 ngày 21/12/2018 về việc chuẩn bị tổ chức tết trồng cây xuân Kỷ Hợi năm 2019; Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản số 2110/SNN-KL ngày 25/12/2019 về việc tổ chức tết trồng cây, trồng rừng xuân Kỷ Hợi năm 2019 hướng dẫn UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức tết trồng cây tại địa phương.
Đến ngày 14/01/2019 công tác chuẩn bị địa điểm, cây trồng trong ngày đầu phát động xuân Kỷ Hợi trên địa bàn 8 huyện, thành phố đã hoàn thành. Tại 8 điểm phát động của các huyện, thành phố và trong ngày đầu ra quân này sẽ tổ chức trồng 985 cây các loại với cả năm là 1.300.000 cây phân tán các loại và khoảng 450-500 ha rừng tập trung (chủ yếu là rừng sản xuất).
Thời gian tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây, trồng rừng xuân Kỷ Hợi năm 2019 của các địa phương trong tỉnh dự kiến vào ngày thứ 2 (11/02/2019). Đây là hoạt động nổi trội thường niên của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, quân và dân tỉnh Ninh Bình cứ mỗi độ Tết đến xuân về và là mốc khởi đầu cho một năm thực thực hiện trồng cây, gây rừng
PV: Hiện nay người dân đang rất quan tâm đến việc trồng cây bóng mát, cây quang cảnh, vậy trồng cây gì, trồng thế nào cho phù hợp... là cơ quan chuyên môn ông có lưu ý gì về vấn đề này?
Đ/c Nguyễn Văn Dương: Theo kế hoạch trồng cây phân tán và cây bóng mát trong các năm gần đây tỉnh đang ưu tiên trồng cây bóng mát trong khu đô thị là các cây có lá thường xanh quanh năm, cây bóng mát có hoa đẹp, cây bóng mát lấy gỗ như: Sấu, xà cừ, sao đen, phượng vĩ, bằng lăng, muồng hoàng yến, hoa ban...
Để có biện pháp trồng và chăm sóc cho cây sinh trưởng và phát triển tốt thì chúng ta nên: Trồng cây vào mùa xuân, chọn cây có thân thẳng, không cụt ngọn, bầu cây không bị vỡ trước khi trồng, trước khi trồng nên cắt tỉa bớt cành và lá cây, đào hố rộng bằng 2 kích thước bầu cây, bón lót phân hữu cơ xuống dưới bầu, đất trồng cây trộn thêm tro trấu và rơm mục… đã ủ hoai và mục nát, lấp đất nén chặt đất sao cho cây thẳng đứng và tưới nước cho cây với lượng vừa đủ, cuối cùng chống cọc để giữ cây thẳng và để khi có gió bão cây không đổ, gãy.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đinh Chúc (Thực hiện)