Đi lễ chùa, lễ hội là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam. Vào mồng một, ngày rằm hàng tháng và những dịp lễ, Tết đầu xuân có rất nhiều người đi chùa lễ Phật và đi dự các lễ hội. Bên cạnh những người đi lễ chùa, lễ hội giữ được nét văn hóa thanh lịch cũng còn không ít người làm những điều trái giáo lý nhà Phật, làm mai một bản sắc văn hóa, gây mất mỹ quan hay giảm giá trị văn hóa đích thực khi đi lễ chùa, lễ hội.
Ở các lễ hội và chùa chiền dễ bắt gặp hình ảnh nhiều người chen lấn, xô đẩy để hành lễ. Có những cô gái trẻ mặc váy ngắn cũn cỡn, cười cười nói nói bên cạnh những người đang trang nghiêm khấn vái. Có những cô gái còn hồn nhiên bước qua mặt người đang làm lễ để xông đến, nhờ người khấn thay cho mình,... và nhiều chuyện bi hài, đáng trách vẫn diễn ra tại chốn cửa Phật tôn nghiêm. Có thể kể ra những thói quen không nên làm như khắc tên, lời cầu nguyện của mình lên thân cây hoặc vách tường của nhà chùa, đặt tiền lễ lên tay Phật; đốt hương cả bó để cúng bái...
Để giữ được nét đẹp văn hóa khi đi lễ chùa, lễ hội, thiết nghĩ mỗi người khi đi lễ chùa, lễ hội nên ăn mặc lịch sự, trang nghiêm, phù hợp văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc. Vào chùa làm lễ cầu nguyện hay trải nghiệm tâm linh thì sự yên lặng là biểu hiện trang nghiêm rất cần thiết. Nói cười lớn tiếng, ồn ào ở nơi công cộng còn không nên huống hồ là vào một nơi tôn nghiêm như cửa Phật. Cho nên khi đi lễ chùa, lễ hội, mỗi người cần thực hiện đúng các nội quy, quy định và hướng dẫn của nhà chùa, của ban tổ chức các lễ hội thực hiện nét đẹp văn hóa khi đi lễ chùa, lễ hội.
Trần Hoàng Hiệp