Nổi bật trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh ta trong năm qua, đó chính là đã huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ các đối tượng yếu thế vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo đó, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả bền vững, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo trong hoạt động giảm nghèo để họ tự vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Các địa phương cũng triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình để đầu tư, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong năm 2019, thực hiện cấp thẻ BHYT cho trên 260 nghìn đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân vùng đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Trên 170 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở và 93 hộ được vay vốn ưu đãi xây, sửa chữa nhà ở; trên 45 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay các chương trình tín dụng ưu đãi với tổng số tiền trên 1 nghìn tỷ đồng… Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, trong đó có lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo.
Mỗi năm, trung bình tỉnh ta tổ chức đào tạo nghề cho trên 17 nghìn lao động, riêng năm 2019 đào tạo nghề cho 17.300 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 52%. Đã thực hiện thu thập thông tin nhu cầu lao động của 2.514 doanh nghiệp, cập nhật thông tin thay đổi phần cung lao động của 60.064 hộ gia đình trên toàn tỉnh. Việc thực hiện tốt hoạt động cập nhật thông tin cung - cầu lao động đã góp phần cung cấp thông tin để phục vụ cho công tác nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ và phục vụ cho hoạch định chính sách phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Tính riêng trong năm 2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 20.050 người, đạt 103,4% kế hoạch năm (trong đó có 1.524 người đi xuất khẩu lao động). Với việc làm tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống cho người dân nông thôn. Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2019, tỉnh Ninh Bình đã có trên 3.000 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,63% năm 2018 xuống còn 2,57% vào cuối năm 2019.
Các hoạt động chi trả, trợ giúp cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội được đẩy mạnh. Trong năm, ngành đã chi trả trợ cấp kịp thời cho gần 45 nghìn đối tượng được hưởng trợ cấp thường xuyên với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhất được quan tâm. Trong năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm tim mạch - Bệnh viện E Hà Nội, Tổ chức SAP-VN khám sàng lọc, tư vấn miễn phí cho các gia đình có trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh, khuyết tật vận động.
Đến nay, đã tổ chức phẫu thuật an toàn cho 73 trẻ em, cấp dụng cụ chỉnh hình cho 17 trẻ... với tổng kinh phí hỗ trợ trên 630 triệu đồng. Nhân dịp Tết nguyên đán, Tết thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, ngành Lao động đã tham mưu, phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thăm, tặng quà cho trẻ em với tổng giá trị quà tặng trên 200 triệu đồng; tổ chức trao tặng 61 xe đạp và 1 suất học bổng dài hạn trị giá 1 triệu đồng cho 1 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Công tác chăm lo đời sống cho người có công cũng được các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện tốt. Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tập trung xác nhận hồ sơ, giải quyết chế độ cho người có công đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, không để tồn đọng kéo dài.
Đến nay đã tiếp nhận, tham mưu, thẩm định, xét duyệt và giải quyết 5.646 hồ sơ người có công hưởng các loại trợ cấp, phụ cấp theo quy định; tiến hành chi chế độ, chính sách đối với người có công đảm bảo đúng, đủ, kịp thời với tổng kinh phí gần 620 tỷ đồng. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng làm tốt công tác tham mưu, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có công nhân dịp Lễ, Tết, ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7 với trên 178 suất quà, trị giá trên 38,4 tỷ đồng; thực hiện trên 8.000 suất điều dưỡng cho người có công với cách mạng đảm bảo an toàn, chu đáo; duy trì 100% xã, phường, thị trấn được công nhận là xã, phường làm tốt công tác người có công; phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Quyết định số 469/QĐ-UBND ngày 28/3/2018 của UBND tỉnh về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở cho 1.193 hộ người có công. Hiện nay, còn 34 hộ đang triển khai thực hiện.
Bài, ảnh: Đào Hằng