Nhận thức rõ thực hiện QCDC ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là động lực to lớn thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện QCDC ở cơ sở theo hướng toàn diện, sâu sát, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm. Dân chủ được thực hiện trong nhiều khâu, nhiều hoạt động và trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và chính quyền có liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích của người dân được công khai, đưa ra người dân bàn bạc, thảo luận. Đặc biệt, QCDC ở xã, phường, thị trấn được triển khai có hiệu quả và từng bước đi vào cuộc sống. Thực hiện Pháp lệnh số 34 của ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" được tiến hành công khai ở các xã, phường, thị trấn nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Các xã, phường, thị trấn đều triển khai thực hiện tốt những việc dân được bàn và quyết định trực tiếp như đề án xây dựng nông thôn mới, mức đóng góp xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông liên thôn, bình chọn các đối tượng được hưởng chính sách xã hội, công tác dồn điền, đổi thửa… Hình thức công khai tương đối đa dạng thông qua hệ thống truyền thanh, các cuộc họp thôn, xóm, các cuộc tiếp xúc cử tri, niêm yết tại công sở, nơi công cộng để nhân dân được biết. Một số nơi còn tổ chức đối thoại với người dân, tạo điều kiện để người dân hiểu rõ hơn quyền, nghĩa vụ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, phát huy được sức mạnh của nhân dân tham gia giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề liên quan đến đời sống người dân tại địa bàn dân cư. Ngoài ra, các địa phương còn củng cố hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, các Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 522 cuộc giám sát, nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực: thực hiện chính sách, pháp luật; khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện QCDC ở cơ sở; việc đền bù, giải phóng mặt bằng... Qua đó kịp thời phát hiện những thiếu sót, lãng phí, đề xuất các cơ quan hữu quan giải quyết, khắc phục, góp phần ngăn ngừa những vi phạm, tiêu cực, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp ngay tại cơ sở. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước ở thôn, xóm, phố gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, nhiều thôn, xóm, phố đã in, sao gửi đến các hộ gia đình thực hiện với sự giám sát tích cực trong cộng đồng dân cư. Tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp đều bổ sung, hoàn chỉnh quy chế hoạt động, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện QCDC, nhiều đơn vị xây dựng quy định cụ thể việc sử dụng điện thoại, công khai chi tiêu tài chính, công tác quy hoạch, đánh giá, đề bạt, đào tạo, tuyển dụng, nâng bậc lương, nâng ngạch..., đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, cấp ủy.
Đến nay, tất cả các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đều tiến hành giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế "Một cửa" và "Một của liên thông" tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính. Công tác tiếp dân được duy trì thường xuyên, đúng quy chế, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo kiên quyết, nghiêm túc, thận trọng, hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện đông người. Việc thực hiện QCDC trong các doanh nghiệp cũng có sự chuyển biến rõ rệt, trên địa bàn tỉnh có 175 doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn; từ đầu năm đến nay, 74 doanh nghiệp đã tổ chức hội nghị người lao động, 64 doanh nghiệp thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể mới.
Đặc biệt, tại nhiều doanh nghiệp, Ban chấp hành công đoàn cơ sở đã phối hợp với Ban giám đốc doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động bàn các giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị, chế độ, chính sách, quyền lợi của người lao động... Thông qua hội nghị, nhiều ý kiến, đề xuất của người lao động được chủ doanh nghiệp ghi nhận, tiếp thu, trả lời. Qua đó, hạn chế vi phạm dân chủ, vi phạm pháp luật trong quản lý kinh tế, phát huy quyền làm chủ của người lao động, góp phần hạn chế đình công, ngừng việc tập thể, đảm bảo sự phát triển hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.
Từ những kết quả trên có thể khẳng định, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần làm cho hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn, các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận, đoàn thể ngày càng đạt hiệu quả cao, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Quốc Khang