Đẩy mạnh quy hoạch phát triển theo từng lĩnh vực Theo ông Nguyễn Cao Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Một trong những nội dung quan trọng mà Ninh Bình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 là rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, các ngành liên quan đã hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức thực hiện các quy hoạch chuyên ngành gắn với xây dựng, bổ sung các quy hoạch mới như: Quy hoạch phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kho xăng dầu, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương tổ chức công bố quy hoạch, tham mưu điều chỉnh tiến độ đầu tư của 8 cụm công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về diện tích đất sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hướng dẫn UBND các huyện xây dựng hồ sơ thành lập, tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập các cụm công nghiệp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương điều chỉnh các quy hoạch thuộc ngành nông nghiệp phù hợp với nhiệm vụ, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình.
Trong đó, rà soát, điều chỉnh các Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch cấp nước sinh hoạt nông thôn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Cùng với việc quy hoạch phát triển theo từng ngành, lĩnh vực, tỉnh đã đẩy mạnh cơ chế, chính sách nhằm xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Năm 2016, UBND tỉnh đã phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) tổ chức hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp nông thôn khu vực phía Bắc.
Tại đây đã có 13 biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp sản xuất và đơn vị phân phối được ký kết. Bên cạnh đó, đã triển khai 3 mô hình thí điểm bán hàng Việt bền vững trên địa bàn tỉnh với tên gọi "Tự hào hàng Việt" gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại thành phố Tam Điệp và huyện Yên Khánh để phát triển hệ thống phân phối, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi để các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh đến tay người tiêu dùng.
Ngoài ra, các ngành trong tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình, hội nghị kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố, các khu vực trong nước, qua đó có nhiều bản ghi nhớ, hợp đồng được ký kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhà phân phối, trung tâm thương mại về cung ứng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ như: Hội thảo xúc tiến thương mại nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm, Hội nghị liên kết, xúc tiến thương mại giữa Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Ninh Bình với Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội…
Xây dựng và triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, người nông dân liên kết trong sản xuất nông nghiệp từ khâu cung ứng vật tư nông nghiệp, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ nông sản.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Với thực tế tại địa phương có trên 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sở đã phối hợp với Cục ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ Công thương) tổ chức cho doanh nghiệp tham gia trình diễn, giới thiệu các sản phẩm địa phương tại Thái Nguyên; tổ chức cho 3 doanh nghiệp tham gia Techmart Hà Nội 2016…
Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả 35 đề án khuyến công với tổng kinh phí 5.375 triệu đồng và 21 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí 1.620 triệu đồng tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tham gia hội chợ trong nước và quốc tế nhằm củng cố, phát triển thị trường truyền thống và khai thác thị trường xuất khẩu mới.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ thông tin tuyên truyền, giới thiệu năng lực sản xuất, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch xuất khẩu và Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020 để quảng bá thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước.
Phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu xây dựng cuốn cẩm nang về Hội nhập kinh tế quốc tế nhằm phổ biến những thông tin cơ bản về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng có thế mạnh của Ninh Bình, qua đó tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng biểu thuế quan ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, cũng như các phương thức lựa chọn xin C/O để hưởng ưu đãi thuế quan cao nhất, góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Công tác đào tạo, tư vấn lao động, dạy nghề cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được các ngành quan tâm. Đến nay tỉnh đã hướng dẫn, thẩm định, tiếp nhận đăng ký "Nội quy lao động" của 27 doanh nghiệp và "Thông báo thỏa ước lao động tập thể" của 39 doanh nghiệp. Tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, đối thoại trực tiếp với người sử dụng lao động tại 5 đơn vị với trên 700 người tham dự với nội dung về lao động, tiền lương, chính sách với lao động nữ, bảo hiểm xã hội…
Ngoài ra, đã tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng, thu hút 265 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với 3.817 lượt chỉ tiêu việc làm, học nghề. Kết quả đã có 6.185 người lao động được tư vấn việc làm, 945 người được giới thiệu việc làm.
Để doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ doanh nghiệp tạo lập, quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa. Riêng trong năm 2016, có 68 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có 22 trường hợp được cấp bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ (7 kiểu dáng công nghiệp, 15 nhãn hiệu hàng hóa); phối hợp với Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt (VietED) xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ cho 7 nhãn hiệu; Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho các sản phẩm: Cói mỹ nghệ Kim Sơn, Đá mỹ nghệ Ninh Vân, Cá Tràu tiến Vua, Thêu ren Văn Lâm - Ninh Hải, Cơm cháy Ninh Bình; xây dựng thành chỉ dẫn địa lý cho dứa Đồng Giao, dê núi Ninh Bình; đang xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho mắm tép Gia Viễn, khoai lang Hoàng Long, khoai sọ Yên Quang.
Có thể nói, qua một năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận từ phía chính quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng: Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách về tích tụ, tạo quỹ đất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tập trung, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp và các tổ chức tạo lập thương hiệu, nhãn hiệu, gắn với các vùng sản xuất an toàn và xúc tiến thương mại trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Khuyến khích thực hiện các dự án lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hình thức đối tác công tư (PPP). Thu hút nhà đầu tư chiến lược để làm đầu tàu dẫn dắt, thúc đẩy phát triển liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tổ chức nhiều hơn nữa các hội nghị đối thoại công khai với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thơm