Năm 2006, Nghị quyết 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra đời như một động lực thúc đẩy, tạo điều kiện hơn nữa để các nghề tiếp tục phát triển thích ứng với cơ chế thị trường mới, nhằm thu hút nhiều lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Sau 3 năm Nghị quyết đi vào cuộc sống, các nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực, song cũng nảy sinh một số khó khăn cần khắc phục. KỲ I: BẤP BÊNH NGHỀ TRỒNG, CHẾ BIẾN CÓI
Mục tiêu của Nghị quyết 04 về đẩy mạnh trồng, chế biến cói; thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ giai đoạn 2006- 2010 đặt ra là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về sản phẩm cói là 15%, giá trị sản xuất sản phẩm cói đến năm 2010 đạt 280 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 23,3 triệu USD. Nhưng với thực tiễn sản xuất như hiện nay thì điều đó là khó có thể đạt được.
Diện tích trồng cói thu hẹp dần
Do có đặc trưng riêng nên vùng nguyên liệu cói được duy trì, mở rộng và phát triển ở Kim Sơn. Theo thống kê, đến năm 2006, diện tích cói của huyện đạt 414,6 ha, bao gồm trên 210 ha trong vùng quy hoạch, còn lại ngoài vùng quy hoạch, trong đó diện tích trồng mới có 154 ha. Thực hiện Nghị quyết 04, để phát triển vùng nguyên liệu với diện tích 452 ha đất thuộc Công ty Nông nghiệp Bình Minh và duy trì, mở rộng trồng mới diện tích cói ở các xã trong vùng quy hoạch, cơ chế hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh đến trực tiếp các hộ trồng cói 1 lần là 4 triệu đồng/ha trồng mới, 2 triệu đồng/ha khôi phục ruộng cói. Về phía huyện Kim Sơn có dành nguồn kinh phí trong kế hoạch hàng năm hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/ha trồng cói mới, 500 nghìn đồng/ha khôi phục ruộng cói trong vùng quy hoạch. Đối với diện tích này được tỉnh đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh chính, kênh nhánh, cống điều tiết, đường ven kênh để phục vụ cho sản xuất, với tổng giá trị 10 tỷ đồng.
Mặc dù có sự quan tâm đầu tư, nhưng qua các năm sản xuất cho thấy, cả diện tích trồng cói, năng suất và sản lượng cói đều sụt giảm đáng kể. Năm 2007, tổng diện tích trồng cói của huyện ở vụ chiêm trên 470 ha, năng suất đạt 86 tạ/ha, sản lượng trên 4.000 tấn. Đến vụ chiêm năm 2008, tổng diện tích trồng cói của huyện còn 329 ha, năng suất đạt 62 tạ/ha, sản lượng đạt 2.000 tấn; vụ chiêm 2009 diện tích cói là 205 ha, vụ mùa là 194 ha.
Diện tích, năng suất cói giảm chính là do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của người dân trong vùng. Phong trào nuôi trồng thủy sản "siêu lợi nhuận" phát triển mạnh trong những năm qua, khiến một số đơn vị như Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải thực hiện quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản lấn vào diện tích trồng cói, người dân bỏ trồng cói sang nuôi thủy sản. Cũng trong thời gian đó, thị trường nguyên liệu cói biến động, giá cói không ổn định, xuống quá thấp (giá cói bình quân cuối năm 2007 là 1.760 đồng/kg), mà giá vật tư như phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động lại tăng cao (giá phân đạm đầu năm 2008 là 10.500 đồng/kg, công lao động thuê cắt cói là 40.000 đồng/ngày công), làm cho một số hộ nông dân không đầu tư trồng mới, một số diện tích cói hết chu kỳ thu hoạch hoặc diện tích xen canh ngoài vùng quy hoạch, nông dân đã chuyển sang trồng lúa như xã Định Hóa, Kim Chính, Ân Hòa…một số xã khác như Văn Hải, Kim Mỹ diện tích đất trồng cói có độ mặn quá cao nên cói chết hoàn toàn, nông dân gặp nhiều rủi ro nên bỏ không trồng.
Tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.
Với nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, những năm qua, người lao động trong tỉnh đã đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ cói, như Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư, thị xã Tam Điệp, đặc biệt là Kim Sơn với sự tham gia của 100% các làng, xã, trên 12 nghìn cơ sở sản xuất. Nhờ vậy đã tạo ra khối lượng sản phẩm cói xuất khẩu đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ. Nhiều doanh nghiệp chế biến cói xuất khẩu thành lập, mạnh dạn đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở, nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất lớn, đổi mới công cụ lao động như các doanh nghiệp Thành Hóa (Yên Khánh), doanh nghiệp Đổi Mới (Kim Sơn), doanh nghiệp Xuân Tình (Yên Mô)…
Chế biến cói đã trở thành nghề thu hút đông lao động, chiếm tỷ lệ cao và tăng dần trong giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Tiêu biểu như ở Kim Sơn, đơn vị chủ lực trong chế biến cói, hiện nghề cói đang giải quyết việc làm cho 25 nghìn lao động, giá trị sản xuất (năm 2008) đạt 200 tỷ đồng, doanh thu đạt 340 tỷ đồng, chiếm trên 80% giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện. Toàn huyện có 18 làng nghề chế biến cói được UBND tỉnh công nhận. Cụm công nghiệp Đồng Hướng quy mô 17 ha đang được xây dựng là điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư, đẩy mạnh sản xuất chế biến cói trên địa bàn.
Theo nhận định, nghề chế biến cói tiếp tục phát triển cả về sản lượng, quy mô sản xuất, số lao động tham gia và giá trị sản xuất, thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất, chế biến cói chưa thực sự ổn định, không tương xứng với thế mạnh và đáp ứng được với mục tiêu của Nghị quyết đề ra. Sản phẩm cói xuất khẩu đang bị chững lại vì hầu hết các doanh nghiệp không trực tiếp đứng ra ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài mà chủ yếu là qua ủy thác xuất khẩu nên thụ động trong tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến tình trạng bị ép giá, bỏ mối hàng, không ký được hợp đồng lớn, sản lượng tồn đọng, làm cho một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lao đao vì doanh thu giảm và ngày công của người lao động thấp.
Bên cạnh đó, chưa có chính sách đủ mạnh để bình ổn giá cói nguyên liệu khi cơ chế thị trường cói bị chao đảo làm thiệt hại không nhỏ cho người trồng, chế biến cói. Hiệp hội nghề cói tỉnh được thành lập nhưng thực hiện chức năng là cầu nối để các doanh nghiệp chia sẻ, gắn kết cùng phát triển còn hạn chế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do suy giảm kinh tế toàn cầu, thị trường tiêu thụ ở các nước giảm dần, nhất là các thị trường truyền thống mức tiêu thụ giảm rõ rệt, trong khi đó các doanh nghiệp chế biến cói còn hạn chế về năng lực, trình độ ngoại ngữ, chưa nghiên cứu để luôn có mẫu mã mới, phù hợp với thị hiếu khách hàng; ít đầu tư vào công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, khâu tiếp thị quảng bá còn yếu nên chưa có thương hiệu tin cậy trên thị trường quốc tế.
Theo thống kê, doanh thu sản xuất cói năm 2007 của cả tỉnh đạt 324 tỷ đồng, năm 2008 tăng lên 354 tỷ đồng; giá trị sản xuất cói năm 2007 là 142 tỷ đồng, năm 2008 tăng lên 156 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu cói năm 2008 đạt 765,9 nghìn USD, 9 tháng 2009 đạt 550 nghìn USD. Như vậy thực tiễn sản xuất đang còn ở quá xa so với mục tiêu Nghị quyết đặt ra. Đòi hỏi các ngành, đơn vị liên quan cần phải nỗ lực trong việc chỉ đạo, quản lý, thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở, người lao động "tăng tốc" sản xuất, chế biến cói hơn nữa, đặc biệt là chú trọng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tuyên truyền vận động nhân dân và các HTX ở Kim Sơn duy trì, cải tạo và trồng mới diện tích cói, với các giống mới, năng suất cao đảm bảo chủ động về nguyên liệu để chế biến ổn định và vững chắc. Tạo mọi điều kiện thu hút đầu tư vào sản xuất chế biến cói như cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường, thu hút lao động, thuê đất với giá thấp, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ kinh phí để động viên, vận động nhân dân tham gia củng cố, xây dựng và bảo tồn các làng nghề cói truyền thống, quảng bá thương hiệu sản phẩm, cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường, hướng dẫn hoạt động sản xuất kinh doanh…
Hiệp hội nghề cói tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp, tiếp tục vận động các doanh nghiệp, cơ sở trong Hiệp hội góp vốn cùng với quỹ bình ổn giá cói nguyên liệu nhằm ổn định nguyên liệu đầu vào, tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp và người sản xuất. Đưa phong trào chế biến cói thực sự phát triển rộng khắp, gắn kết được giữa đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư, hợp đồng chế biến và bao tiêu sản phẩm cói cho nông dân.
Hoàng Tâm (Còn nữa)