Anh Trần Đình Thái là lao động có thời gian dài làm việc tại một doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Do điều kiện hoàn cảnh gia đình, sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, anh phải nghỉ việc trong Nam để ở lại quê hương chăm sóc bố mẹ già tại xã Yên Đồng (Yên Mô). Được tư vấn, đăng ký và hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 2 tháng; hiện anh đã được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu việc làm mới tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Yên Mô. Anh Thái cho biết, anh rất vui mừng và cảm thấy BHTN thực sự cần thiết, có sự hỗ trợ thiết thực cho người lao động vượt qua khó khăn khi không may phải tạm dừng công việc mà chưa tìm được công việc mới.
Còn đối với chị Lại Thị Huyền, xã Ninh An (Hoa Lư), do công việc ở công ty cũ không phù hợp, thường phải tăng ca muộn, trong khi con còn nhỏ, chồng làm việc xa nhà, chị đã phải xin nghỉ và tìm công việc mới. Trong những ngày nghỉ chờ kiếm tìm công việc mới phù hợp, chị được công ty cũ thực hiện chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp; đồng thời đăng ký với Trung tâm Dịch vụ việc làm để được giới thiệu công việc mới phù hợp hơn. Chị Huyền cho rằng, chị cũng như nhiều lao động khác, việc được các công ty quan tâm chi trả các chế độ chính sách theo quy định của Luật Lao động là rất cần thiết, tạo điều kiện cho người lao động tìm kiếm được những công việc phù hợp và tự nguyện gắn bó lâu dài với công việc đó.
Theo quy định, lao động được cơ quan, doanh nghiệp đóng BHTN khi bị mất việc sẽ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để thực hiện các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc để được hỗ trợ học nghề, tìm kiếm việc làm mới. Với chức năng tiếp nhận, tư vấn, giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến BHTN cho người lao động, những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt chính sách BHTN cho người lao động. Theo đó, Trung tâm đã tích cực tuyên truyền chính sách BHTN đến các doanh nghiệp và người lao động tại các phiên giao dịch việc làm; tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm để người lao động nắm được những thông tin mới, chính xác về chính sách này; phân công nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ để vừa tư vấn, tuyên truyền vừa giúp lao động đến liên hệ thực hiện các thủ tục nhanh, thuận tiện. Đồng thời Trung tâm cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ, đào tạo nghề cho người lao động theo nhu cầu nhằm giúp người lao động dễ dàng tìm kiếm việc làm mới ngay sau khi được hưởng trợ cấp thất nghiệp... Năm 2017, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận trên 3.000 hồ sơ của người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, đã thẩm định hồ sơ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trên 2.900 người, với số tiền trên 30 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Quang Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trước đây, khi chưa có chính sách BHTN, người lao động khi không may mất việc làm sẽ rơi vào tình trạng không có nguồn thu nhập, ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống, sinh hoạt. Từ năm 2009, chính sách BHTN được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành. Đối với tỉnh Ninh Bình, BHTN được triển khai từ năm 2010. Theo đó, khi bị thất nghiệp, người lao động không chỉ được nhận trợ cấp mà còn được Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ học nghề để có nhiều cơ hội chuyển đổi việc làm và hưởng BHYT trong suốt thời gian tìm việc. Năm 2017, Trung tâm đã tư vấn việc làm cho trên 1 nghìn lao động, trong đó có trên 300 lao động quay trở lại thị trường lao động mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ học nghề cho hàng chục lao động...
Cũng theo ông Phạm Quang Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, việc thực hiện chính sách BHTN vẫn còn một số khó khăn. Đó là nhiều người sử dụng lao động, người lao động chưa hiểu rõ về chính sách BHTN nên chưa thực hiện theo đúng quy định. Một số doanh nghiệp chốt sổ BHXH, BHYT, BHTN chậm; tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động còn xảy ra ở tất cả các huyện, thành phố…. đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Việc phối hợp giữa các ngành hữu quan trong việc quản lý trợ cấp thất nghiệp chưa chặt chẽ, từ đó xảy ra tình trạng người lao động đã có việc làm mới nhưng vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp…
Để phát huy hơn nữa hiệu quả và tính ưu việt của chính sách BHTN, ngoài sự nỗ lực của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động nắm vững chính sách về BHTN, tự bảo vệ quyền lợi cho mình. Cùng với đó tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đăng ký đóng BHXH đúng thời gian, tránh tình trạng nợ bảo hiểm kéo dài. Có như vậy, BHTN mới thực sự phát huy được vai trò, giúp đỡ kịp thời cho người lao động khi bị mất việc ổn định cuộc sống và sớm tìm được công việc mới phù hợp.
Hạnh Chi