Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững và các nhiệm vụ được giao, giai đoạn từ năm 2016-2021, Sở Nông nghiệp & PTNT cùng với các sở, ngành, đoàn thể và UBND cấp huyện đã triển khai 484 mô hình, dự án.
Trong đó, nhiều mô hình, dự án đạt hiệu quả cao, có tính lan tỏa, góp phần tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 của ngành Nông nghiệp đạt 2,02%/năm, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác năm 2021 đạt 144,9 triệu đồng (tăng 36,6 triệu đồng so với năm 2016).
Tiêu biểu như: Chương trình liên kết sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ, theo chuỗi giá trị triển khai từ năm 2018 đã ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy, tiết giảm được công lao động, tạo dòng sản phẩm sạch, giúp nông dân có thu nhập cao hơn từ 10-15% so với sản xuất thông thường. Hiện, chương trình đã nhân rộng được trên 1.000 ha trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh.
Tiếp đến là chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi khoảng 6.000 ha. Các hình thức chuyển đổi bao gồm: chuyển sang trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm trên chân đất khô hạn, không chủ động nước tưới, chuyển từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản tập trung. Các mô hình cho thu nhập từ 200-800 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều lần so việc cấy lúa đơn thuần.
Trong chăn nuôi có chương trình phát triển và cải tạo tầm vóc đàn gia súc theo hướng chuyên thịt (bò, dê). Với sản xuất thủy sản, có các chương trình phát triển thâm canh thủy sản nước ngọt, thủy sản ruộng trũng; phát triển giống nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; phát triển nuôi tôm công nghệ cao.
Bên cạnh đó, giai đoạn vừa qua, toàn tỉnh cũng đã triển khai gần 50 mô hình, dự án liên quan đến việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: sản xuất rau an toàn trong nhà lưới; sử dụng hệ thống phun nước tự động, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, chế phẩm sinh học, phân bón thế hệ mới...
Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất đã góp phần bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao năng suất, giảm thiểu sức lao động, hỗ trợ thúc đẩy dịch vụ nông nghiệp phát triển.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến xác định những chương trình, dự án, mô hình có hiệu quả cao, cần nhân rộng; những mô hình, dự án hiệu quả nhưng chưa nên nhân rộng và mô hình chưa hiệu quả.
Nhiều khó khăn, tồn tại, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực tế cũng đã được các đơn vị chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT, các đoàn thể, địa phương chỉ ra, từ đó làm cơ sở để định hướng giải pháp thực hiện cho giai đoạn tới.
Theo đó, trên cơ sở Nghị quyết số 32 ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh và Quyết định số 406 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022-2025, đặc biệt là dựa trên cơ chế, chính sách hỗ trợ và lợi thế 5 tiểu vùng kinh tế sinh thái sẽ tiếp tục phát triển các chương trình: Liên kết sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; phát triển và cải tạo tầm vóc đàn gia súc; phát triển thâm canh thủy sản nước ngọt, thủy sản ruộng trũng; chương trình phát triển giống nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; chương trình phát triển nuôi tôm công nghệ cao; chương trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, quả an toàn; chương trình cơ giới hóa.
Nguyễn Lựu-Anh Tuấn