Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày tháng Tư lịch sử là ông Phạm Bá Trường, quê ở xã Yên Đồng, huyện Yên Mô lại bồi hồi xúc động. Lật dở những kỷ vật về chiến trường xưa, ông Trường cho biết, ở cái tuổi này rồi, có chuyện còn nhớ, chuyện đã quên. Nhưng hình ảnh những người đồng đội mới mười tám, đôi mươi sát cánh cùng ông đi dọc chiến trường Quảng Trị đầy khói lửa thì ông không thể nào quên được. Những kỷ vật ấy nhắc nhở ông về giá trị của cuộc sống tự do, hòa bình và ý thức được trách nhiệm của một người lính được trở về. Bởi vậy, mà mỗi lần đau đớn do vết thương tái phát, ông đều mang những kỷ vật đó ra để thủ thỉ như thể trò chuyện với đồng đội thân thiết đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường để có thêm nghị lực giúp ông vượt qua nỗi đau bệnh tật. "Cuộc chiến của một người lính không phải chỉ ở chiến trường, mà còn ở ngay cuộc sống thanh bình ngày hôm nay. Kẻ thù là những cơn đau, đói nghèo… bất cứ một người lính từng trưởng thành từ bom đạn chiến tranh đều không được phép đầu hàng "kẻ thù" ấy. Bởi vậy, dù cuộc sống của tôi, của nhiều đồng đội khác vẫn còn đầy những khó khăn, thách thức, nhưng với nghị lực, tinh thần lạc quan, chúng tôi sẽ vượt qua tất cả"- ông Trường nói. Rời chiến trường, ông Trường lập gia đình và sinh được 6 người con, một người con bị ảnh hưởng chất độc hóa học từ ông nên dị dạng. Mỗi lần nhìn thấy đứa con ngây dại ấy lòng ông thắt lại. Song, ông lại nhủ mình phải mạnh mẽ, không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tích trong công tác, lao động sản xuất, hoạt động xã hội. "Hành trình trong cuộc sống của chúng tôi chưa bao giờ đơn độc.
Chúng tôi luôn nhận được sự yêu thương, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và cả cộng đồng. Mỗi dịp lễ, Tết, những ngày kỷ niệm chúng tôi đều được lãnh đạo tỉnh, huyện và các cá nhân đến thăm, động viên. Bà con làng xóm luôn yêu thương và đều sẵn lòng giúp đỡ, sẻ chia mọi công việc nặng nhọc của gia đình. Những tình cảm ấy của cộng đồng đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn"- ông Trường xúc động nói.
Cùng với nghị lực của các thương, bệnh binh, người có công, những năm qua, hệ thống chính sách đối với người có công của Đảng, Nhà nước đã được bổ sung, hoàn thiện, làm cơ sở cho hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu.
Ông Phạm Quốc Doanh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện, toàn tỉnh có trên 25.000 đối tượng chính sách, người có công. Những năm qua, ngành Lao động đã thực hiện việc chi trả đúng, đủ, kịp thời các khoản trợ cấp, phụ cấp cho các đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng; trên 50.000 người thụ hưởng chế độ ưu đãi bảo hiểm y tế, trên 53.500 lượt đối tượng thụ hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo.
Phong trào toàn dân giúp đỡ, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công không ngừng được phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, điển hình là các chương trình lớn như: xây dựng nhà tình nghĩa; lập Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; tổ chức dạy nghề, tạo việc làm, ổn định đời sống gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Nhiều địa phương tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, vận động các đơn vị, tổ chức, nhân dân trên địa bàn tham gia thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chuẩn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ. Điển hình trong phong trào này là huyện Yên Mô, phường Trung Sơn (thành phố Tam Điệp), xã Ninh Giang (Hoa Lư), xã Khánh Hội (Yên Khánh)…
Từ năm 2007 đến nay, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" các cấp trong tỉnh đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của đông đảo nhân dân và các cơ quan, doanh nghiệp với số tiền hơn 4 tỷ đồng. 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi còn sống đều được các cơ quan, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời. Bằng nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân, đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa được 2.247 ngôi nhà với kinh phí hỗ trợ là 68,4 tỷ đồng; vận động tặng 287 sổ "Tiết kiệm tình nghĩa", trị giá 168 triệu đồng, vận động Bệnh viện Quân đội 103 và các bệnh viện trên địa bàn tỉnh nhiều lần tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người có công, trị giá hàng tỷ đồng. Hàng chục nghìn gia đình chính sách được ưu tiên vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; được ưu tiên học nghề. Trên 10.000 con liệt sỹ, con thương, bệnh binh được hưởng ưu đãi trong giáo dục đào tạo, được các nhà trường, thầy cô giáo quan tâm chăm sóc, giúp đỡ.
Nét nổi bật trong 5 năm 2011-2015, đó là tỉnh ta đã tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các tồn đọng từ những giai đoạn trước, gây băn khoăn, bức xúc cho đối tượng và nhân dân, như vấn đề thực hiện chính sách đối với cựu thanh niên xung phong, xác nhận, giải quyết chính sách đối với mọt số liệt sỹ, thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học không còn giấy tờ gốc… nhiều trường hợp cán bộ chính sách đã phải lội ngược dòng thời gian, đi tìm chứng cứ rất công phu, vất vả để xác nhận và đã giải quyết được chính sách ưu đãi cho đối tượng.
Đến nay, về cơ bản các tồn đọng đã được giải quyết xong. Đồng thời, toàn ngành đã tập trung để giải quyết chính sách ưu đãi cho một lượng lớn số đối tượng mới phát sinh theo Pháp lệnh ưu đãi người có công và Pháp lệnh quy định danh hiệu Nhà nước "Mẹ Việt Nam anh hùng" mới được sửa đổi, bổ sung năm 2012 với hàng nghìn đối tượng được hưởng chính sách mới, trong đó đã hoàn thiện hồ sơ trình Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng cho 731 Mẹ Việt Nam anh hùng, nâng tổng số Mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh lên 1.104 Mẹ.
Đáp lại sự quan tâm và những tình cảm sâu nặng, nghĩa tình đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương người có công tiêu biểu trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua mất mát, khó khăn vươn lên xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển của xã hội và cộng đồng. Nhiều người có công đã trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, người công dân kiểu mẫu, là tấm gương rất đáng khâm phục để mọi người noi theo.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 98,5% gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận là đơn vị làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công. Ninh Bình là địa phương được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá cao, là tỉnh sớm triển khai và thực hiện có chất lượng, hiệu quả đợt tổng rà soát việc thực hiện chính sách người có công so với toàn quốc.
Thu Hằng