Đặc biệt, ngày 29-11-2006, Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007.
Ở Ninh Bình, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, các quy định pháp luật về bình đẳng giới đã được triển khai khá đồng bộ, công tác bình đẳng giới đã được tổ chức thực hiện một cách rộng rãi ở hầu hết các sở, ngành và địa phương trên phạm vi toàn tỉnh. Tỷ lệ nữ đại biểu tham gia lãnh đạo quản lý là một trong những chỉ tiêu quan trọng về sự tiến bộ xã hội và bình đẳng giới.
Những năm qua, chỉ tiêu này đã được cải thiện rõ rệt, phụ nữ đã và đang tham gia tích cực trong công tác lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở. Theo thống kê, nhiệm kỳ 2010-2015, số phụ nữ tham gia các cấp ủy đạt tỷ lệ như sau: Cấp tỉnh đạt 10,9%, cấp huyện đạt 19,32%, cấp xã 19,06%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm 50%; nữ đại biểu HĐND các cấp cũng tăng hơn nhiệm kỳ trước, cấp tỉnh là 30%, cấp huyện 27,78%, cấp xã 22,76%. Về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, tỷ lệ phụ nữ có trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ những năm gần đây đều tăng lên, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia các loại hình học tập, đào tạo. Công tác chăm sóc sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản phụ nữ được đặc biệt quan tâm.
Sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật ở hội phụ nữ phường Tân Thành, Tp.Ninh Bình
Tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến hộ nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm được chú trọng, do đó đã tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trong đó có phụ nữ. Trong gia đình, vai trò của phụ nữ đã được cải thiện đáng kể, người phụ nữ được tôn trọng và được tham gia nhiều hơn vào các quyết định quan trọng, vào hoạt động sản xuất, tăng thu nhập.
Có thể nói, việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới đã đạt được một số kết quả bước đầu, song cũng còn nhiều vấn đề đặt ra. Đó là một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm tới việc thực hiện Luật Bình đẳng giới; tỷ lệ cán bộ nữ tăng nhanh, tuy nhiên ở một số ngành, đơn vị, số lao động nữ đông, nhưng chưa có lãnh đạo nữ; vẫn còn tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ trong một bộ phận nhân dân, bạo lực gia đình đối với phụ nữ vẫn là vấn đề nhiều thách thức; trình độ, năng lực, nhận thức của phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; bên cạnh số đông phụ nữ có ý chí vươn lên, vẫn còn một bộ phận chị em chưa nỗ lực vượt khó, có tư tưởng an phận, tự ty, trông chờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của xã hội...
Việc thực hiện bình đẳng giới là nhiệm vụ chung của các cấp, ngành, đoàn thể. Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện các mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện Luật Bình đẳng giới. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân về Luật Bình đẳng giới, từng bước thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng.
Hội phụ nữ các cấp cần chủ động tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền trong triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, nâng cao địa vị và cải thiện đời sống cho phụ nữ; trong giáo dục - đào tạo, cần tạo điều kiện hơn nữa cho phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt; cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực để tăng số phụ nữ được giới thiệu và bầu tham gia lãnh đạo các cấp, các ngành; tăng cường năng lực hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ.
Đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới tạo cơ hội cho phụ nữ nâng cao vai trò, vị thế, phát huy khả năng, trí tuệ và đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.
Minh Châu