Ninh Bình - một Việt Nam thu nhỏ với 3 vùng rõ rệt là miền núi, đồng bằng và ven biển, cách thủ đô Hà Nội chưa đến 100 km, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, du lịch và giao lưu kinh tế. Trong những năm qua, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của bà con nông dân, nông nghiệp Ninh Bình đã có những bước phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành đạt bình quân trên 2%/năm; giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác liên tục tăng, năm 2017 đạt trên 110 triệu đồng/ha. Đặc biệt, sản xuất đang chuyển dịch dần theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị. Gần đây, ghi nhận ngày càng nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước mở rộng quy mô, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, doanh nghiệp.
Đơn cử như chuỗi giá trị lúa gạo tại Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình, với dây chuyền nhà máy xay xát công suất trên 30 nghìn tấn gạo/năm, Công ty đã liên kết với các HTX nông nghiệp ở huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn để sản xuất lúa với đúng chủng loại giống theo yêu cầu, đảm bảo về chất lượng cũng như các yếu tố về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nông dân tham gia liên kết được hướng dẫn kỹ thuật, được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường, còn Công ty sau khi thu mua thóc sẽ đưa về chế biến, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Còn với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, hàng chục năm qua, đã nổi tiếng với các sản phẩm chế biến từ quả dứa, chanh leo, vải, ngô ngọt… xuất đi nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU… Công ty thường xuyên đặt hàng các HTX trong và ngoài tỉnh để sản xuất các sản phẩm mà họ cần theo hình thức doanh nghiệp cung ứng một phần giống, vật tư, rồi trừ sau khi thu mua sản phẩm. Ngoài ra, các HTX ngành hàng sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn như ở Khánh Thành, huyện Yên Khánh; Yên Từ, Mai Sơn, Yên Hòa, huyện Yên Mô; Gia Phương, huyện Gia Viễn vài năm trở lại đây đã từng bước định hướng được thị trường, lo được đầu ra cho sản phẩm, đem lại thu nhập cao cho người sản xuất. Ông Phạm Văn Thẫn, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn xã Khánh Thành cho biết: HTX đang sản xuất khoảng 20 ha rau, củ, quả an toàn. Nhờ sự giúp đỡ của ngành nông nghiệp, sản phẩm rau của HTX đã được cấp chứng nhận VietGAP, được gắn nhãn mác..., sản phẩm tiêu thụ thuận lợi và ổn định hơn, giá trị cũng cao hơn. Đặc biệt, cán bộ, xã viên các HTX đã có thể yên tâm sản xuất, không còn cảnh lúc nào cũng canh cánh với nỗi lo tiêu thụ và biến động giá cả thị trường như trước đây.
Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị là chủ trương lớn, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà cùng với ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, liên kết sản xuất - tiêu thụ được xem là khâu hết sức quan trọng trong nỗ lực tạo ra sản phẩm nông sản an toàn. Quan trọng hơn cả là giúp giải bài toán "được mùa mất giá, được giá mất mùa" khiến không ít HTX, tổ hợp tác đau đầu thời gian qua. Ninh Bình đã kịp thời ban hành một bộ khung cơ chế, chính sách khá đầy đủ từ Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh, Kế hoạch số 36 của UBND tỉnh… đối với phát triển nông nghiệp, trong đó có chính sách hỗ trợ cụ thể cho phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của từng địa phương. Nhờ vậy, các mô hình liên kết tạo ra chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành, đem lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nền sản xuất nông nghiệp của chúng ta phần đa vẫn dựa vào nông hộ nhỏ lẻ, không có liên kết, hoặc liên kết chưa chặt chẽ. Chúng ta vẫn thiếu các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tàu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, còn các HTX đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân thì hoạt động chưa thực sự hiệu quả, năng lực quản trị yếu…
Đại diện Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Thời gian tới, để nâng cao phát triển chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, chúng ta cần tập trung phát triển sản xuất theo các sản phẩm chủ lực, đặc sản của từng địa phương. Trước mắt phải tạo ra được lượng sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn, chất lượng. Việc áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ hữu cơ, công nghệ sạch là đòn bẩy cho phát triển nông nghiệp hàng hóa. Tăng cường xúc tiến thương mại; đánh giá, dự báo tốt, sát với thị trường là hoạt động quan trọng, là cơ sở để điều chỉnh sản xuất. Thành lập các HTX kiểu mới (HTX ngành hàng) để liên kết các hộ nông dân, sản xuất tập trung để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ hiện nay. Ngoài ra, cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp thu mua, phân phối, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh thông qua hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp với HTX kiểu mới nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững, khắc phục tình trạng mạnh ai nấy làm, tư thương ép giá, giải cứu nông sản… Tập trung nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu nông sản Ninh Bình, không ngừng đổi mới sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ an toàn dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, kết hợp đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp trên từng lĩnh vực nông, lâm, thủy sản theo quy hoạch, kế hoạch hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, bắt kịp với cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0. Trước mắt, tập trung xây dựng các mô hình theo chuỗi giá trị có ưu thế phù hợp với điều kiện của tỉnh như: lúa gạo chất lượng cao, đặc sản, rau củ quả, nấm, dược liệu; chăn nuôi: lợn, gà hữu cơ, dê núi; thủy sản: tôm, cá kho, chạch sụn…
Hà Phương