Mới mở được gần 2 năm nay nhưng cửa hàng tiện lợi Cúc Thắng đã trở thành nơi mua sắm quen thuộc của nhiều người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Ninh Bình. Chị Lương Thanh Cúc, chủ cửa hàng cho biết: Hiện cửa hàng đang bán trên 300 sản phẩm các loại. Ngoài một số sản phẩm chủ lực như bánh kẹo, sữa, bia, nước ngọt, thuốc lá, cửa hàng còn bán thêm các mặt hàng đồ hộp, gia dụng, mỹ phẩm, túi xách, quần áo. Chị Cúc cũng đang đầu tư xây dựng thêm một cửa hàng tự chọn rộng gần 300 m2 ở phường Tân Thành để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Siêu thị Đông Thành Plaza ở phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình) 3 năm trở lại đây đã trở thành địa điểm mua sắm, vui chơi quen thuộc, tiện ích của người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Tự, chủ siêu thị Đông Thành cho biết: Khi mới khai trương siêu thị mới có vài nghìn tên hàng, đến nay siêu thị đã bổ sung thêm nhiều loại hàng hóa đa dạng, phong phú, hiện có trên 20 nghìn tên hàng… đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh và khách du lịch. Phương châm kinh doanh của siêu thị Đông Thành Plaza là, ngoài việc cung cấp đa dạng các loại hàng hóa, coi trọng chất lượng sản phẩm, giá thành hợp lý còn chú ý quan tâm đến phong cách phục vụ của nhân viên với khách hàng… đảm bảo các tiêu chí đạt siêu thị hạng I. Các hoạt động giải trí, vui chơi, thư giãn tại siêu thị cũng được bổ sung thường xuyên, đảm bảo phù hợp cho mọi loại khách hàng. Do vậy, sau vài năm đi vào hoạt động, siêu thị đã thu hút hàng nghìn khách hàng thường xuyên, thân thiết.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn thành phố Ninh Bình có gần 20 cửa hàng tiện lợi, siêu thị nhỏ nằm rải rác ở các tuyến phố gần chợ Rồng, đường Lương Văn Thăng, phố Vân Giang, đường Trần Hưng Đạo... Hầu hết các cửa hàng tiện lợi, siêu thị nhỏ bán đủ các loại mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng… phục vụ đầy đủ nhu cầu thiết yếu của người dân, nhưng cũng có những cửa hàng tự chọn, siêu thị mi ni chuyên về một loại sản phẩm như sách, mỹ phẩm, đồ gỗ, quần áo, giày dép… giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn những sản phẩm của các hãng sản xuất khác nhau phù hợp với nhu cầu.
Trong quá trình tìm hiểu về việc mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng của hệ thống siêu thị, các cửa hàng tiện dụng, nhất là hình thành các Trung tâm thương mại, các siêu thị hạng I, hạng II, chúng tôi được ông Phạm Quốc Thắng, Trưởng phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương cho biết: UBND tỉnh đã có Quyết định số 1037/QĐ-UBND ngày 27-5-2008 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị tỉnh Ninh Bình đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh có 7 trung tâm thương mại và 63 siêu thị, trong đó giai đoạn 2008-2015 đầu tư xây dựng 3 trung tâm thương mại và 36 siêu thị hạng III; giai đoạn 2016-2020 đầu tư xây dựng thêm 4 trung tâm thương mại và 24 siêu thị hạng III. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, toàn tỉnh chưa có trung tâm thương mại nào, còn lại là 7 siêu thị (trong đó 1 siêu thị hạng I; 6 siêu thị hạng III). Tại thời điểm quy hoạch ngày 27-5-2008, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 3 siêu thị, đến nay, sau gần 3 năm triển khai mới hình thành thêm 2 siêu thị mới, 1 siêu thị đóng cửa không tiếp tục hoạt động.
Việc quản lý quy hoạch hiện nay cũng còn nhiều bất cập, các trung tâm thương mại, siêu thị xây dựng mới đều do các doanh nghiệp hoặc hộ gia đình đầu tư; các dự án xây dựng siêu thị chỉ xin giấy phép xây dựng tại UBND cấp có thẩm quyền, khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng, UBND cấp có thẩm quyền không có văn bản xin ý kiến của cơ quan quản lý quy hoạch, do vậy hiện nay có một số siêu thị mới hình thành không đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Mặt khác, do mức vốn đầu tư vào loại hình kinh doanh trung tâm thương mại, siêu thị rất lớn, đồng thời do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tại các siêu thị chưa cao nên trong những năm qua, mặc dù đã có quy hoạch phát triển nhưng tốc độ phát triển chưa đúng với quy hoạch.
Trước những khó khăn trên, theo ông Phạm Quốc Thắng, cần từng bước thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về những tiện ích của hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại. Để làm được điều này, ngoài việc các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện dụng tự nâng cao năng lực phục vụ bằng lượng hàng hóa dồi dào, giá cả vừa phải, phương thức thanh toán tiện lợi, phục vụ khách hàng tận tình, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, siêu thị cũng cần được quan tâm hỗ trợ thông tin giá cả thị trường, chất lượng hàng hóa, được bảo lãnh vay vốn theo nhu cầu kinh doanh, có chính sách thuê mặt bằng với giá hợp lý, tiến tới cần xóa bỏ các chợ tạm, chợ cóc, giúp người tiêu dùng bỏ thói quen mua bán mặc cả tại các chợ, hình thành các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện dụng, hệ thống siêu thị, thúc đẩy dịch vụ thương mại hiện đại ngày càng phát triển.
Mỹ Hạnh