P.V: Xin đồng chí cho biết những nét cơ bản về tình hình phát triển CNHT của tỉnh trong những năm qua?
Đ/c Hoàng Trung Kiên: Có thể thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Ninh Bình trong những năm gần đây có bước phát triển tích cực, đạt mức tăng trưởng bình quân trên 16%/năm trong giai đoạn 2015-2017; năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 52.250 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 111,4% kế hoạch năm.
Cùng với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp đã dẫn đến nhu cầu lớn về nguyên phụ liệu, linh kiện, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất. Với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, phát triển công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng của chính quyền địa phương, ngành CNHT của tỉnh đã có những bước phát triển nhất định.
Từ năm 2015 trở lại đây, phát triển CNHT là chủ trương được Chính phủ và UBND tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm. Cả hệ thống chính trị của tỉnh đều đang nỗ lực, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, đầu tư với những dự án giá trị, có khả năng hỗ trợ cho các ngành sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh như ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, may mặc,… qua đó đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp và kinh tế tỉnh nhà.
Đến nay trên địa bàn tỉnh đã thu hút 6 dự án CNHT có quy mô tương đối lớn. Bên cạnh các dự án đã đi vào hoạt động, UBND tỉnh cũng đã Quyết định phê duyệt hoặc đồng ý chủ trương thực hiện thêm nhiều dự án trong lĩnh vực CNHT phục vụ công nghiệp điện tử, sản xuất, láp ráp ô tô. Năm 2018, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp phụ trợ ước đạt khoảng 8.370 tỷ đồng, chiếm 16% tổng giá trị sản xuất công nghệp của tỉnh, giải quyết việc làm cho gần 7.000 lao động của địa phương.
P.V: Thưa đồng chí, vì sao Ninh Bình lại tập trung phát triển ngành CNHT phục vụ công nghiệp ô tô và linh kiện điện tử?
Đ/c Hoàng Trung Kiên: Trong sự tăng trưởng của ngành CNHT nói riêng và ngành công nghiệp của tỉnh nói chung những năm gần đây, phải nói đến sự đóng góp không nhỏ của hai ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử.
Năm 2016, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp đạt 6.782 xe, tăng gấp 125 lần so với năm 2010, giá trị sản xuất đạt 3.730 tỷ đồng, chiếm 10,8% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, đạt tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2016 là 141%/năm, đóng góp vào ngân sách Nhà nước 2.478,9 tỷ đồng. Lĩnh vực công nghiệp điện tử năm 2016 đạt 280 triệu sản phẩm, tăng gấp 127 lần so với năm 2010, giá trị sản xuất đạt 4.901 tỷ đồng, chiếm 14,2% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (đạt tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2016 là 213%/năm), xuất khẩu đạt 248,5 triệu USD, nộp ngân sách 5,9 tỷ đồng.
Nhận thức vai trò và tiềm năng trong phát triển ngành công nghiệp ô tô và linh kiện điện tử, tỉnh Ninh Bình đã xác định phải tập trung phát triển ngành công nghiệp ô tô và linh kiện điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.
Để tập trung phát triển triển ngành công nghiệp ô tô và linh kiện điện tử, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND ngày 9/12/2014 về việc ban hành Quy định về khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ phát triển CNHT đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trên địa bàn tỉnh; vận dụng cơ chế đặc thù tỉnh đã sử dụng phần vượt thu từ công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô để đầu tư hạ tầng kỹ thuật 50 ha mở rộng của KCN Gián khẩu phục vụ cho việc mở rộng nhà máy sản xuất ô tô Hyundai Thành Công và thu hút một số dự án CNHT; bổ sung lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp vào danh mục ngành nghề thu hút đầu tư của tỉnh để khuyến khích thu hút đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, tạo điều kiện thu hút các dự án CNHT phục vụ cho ngành sản xuất ô tô và công nghiệp điện tử.
Đặc biệt thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ ngày 13/2/2017 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 6/3/2017 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh. Trong đó đã giao nhiệm vụ, tiến độ thực hiện cụ thể của từng sở, ngành và các địa phương trong tỉnh.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy, HĐND, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cùng với sự phấn đấu của các ngành, các cấp và của cộng đồng doanh nghiệp, công nghiệp Ninh Bình tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, đặc biệt là hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô đã đạt được mức tăng trưởng rất cao.
Năm 2018, Giá trị sản xuất công nghiệp của 2 ngành trên ước đạt 22.923 tỷ đồng, chiếm khoảng 44% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Trong đó ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ước đạt 14.940 tỷ đồng, ngành công nghiệp điện tử ước đạt 7.983,8 tỷ đồng; nộp ngân sách 11 tháng năm 2018 của cả 2 ngành đạt 5.498,3 tỷ đồng, ước cả năm 2018 đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm camera modul và linh kiện điện tử 11 tháng năm 2018 ước đạt 474 triệu USD.
P.V: Theo đồng chí, thời gian tới Ninh Bình cần có những giải pháp nào để tiếp tục phát triển ngành CNHT?
Đ/c Hoàng Trung Kiên: Trong thời gian tới tỉnh Ninh Bình xác định định hướng phát triển CNHT đó là: Tập trung phát triển một số sản phẩm CNHT phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản thực phẩm, may mặc, giày dép.
Trước mắt tập trung tối đa để thu hút hỗ trợ, ưu đãi cho dự án sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất sản phẩm CNHT cho công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô để phục vụ cho dự án nhà máy sản xuất ô tô Hyundai Thành Công tại Khu công nghiệp Gián Khẩu và các nhà máy trong nước cũng như khu vực .
Để phát triển CNHT của tỉnh theo định hướng nêu trên, Ninh Bình cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách khuyến khích ưu đãi hỗ trợ đối với CNHT của Trung ương và địa phương. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI vào phát triển CNHT. Đồng thời nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù để hỗ trợ trực tiếp cho các dự án sản xuất sản phẩm CNHT đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.
Cùng với đó, các ngành, các cấp của tỉnh phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành CNHT. Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính. Khuyến khích doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước có quy mô lớn, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, trước mắt tập trung vào các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,…để tạo nguồn lực đủ lớn về vốn đầu tư, đồng thời tận dụng các cơ hội chuyển giao, đổi mới công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (Thực hiện)