Hình mẫu của tương lai Tại HTX Đông Cường, xã Khánh Cường (huyện Yên Khánh) vài năm trở lại đây, việc sản xuất lúa đã dần thực hiện theo chuỗi. Hình thức sản xuất theo truyền thống nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm đã được thay thế bằng sản xuất quy mô lớn để tạo nên vùng nguyên liệu tập trung, chú trọng đến chất lượng, giá trị gia tăng, ổn định đầu tư đầu vào, có tính đến đầu ra cho sản phẩm.
"Tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa, gạo cho doanh nghiệp, chúng tôi được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cặn kẽ việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV,… qua đó quản lý tốt dịch hại, giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất. Nông dân chúng tôi nhẹ gánh đầu vào và cũng không phải lo đầu ra, năng suất và lợi nhuận cao hơn cấy lúa thông thường từ 1,2-1,3 lần". Bà Phạm Thị Xuân, xóm 3, Đông Cường vui vẻ chia sẻ với chúng tôi như thế.
Ông Phạm Ngọc Vinh, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Đông Cường cho biết: Từ trước đến nay, việc tiêu thụ lúa gạo chủ yếu thông qua các đầu mối bán lẻ tiêu thụ nội bộ, lợi nhuận nằm ở một bộ phận tiểu thương còn người nông dân không có lãi. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc nông dân không thiết tha với nông nghiệp và ngại đầu tư cho nông nghiệp.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, tìm ra hướng đi mới cho nông dân, 4-5 năm trở lại đây HTX đã đứng ra làm đầu mối ký hợp đồng với Công ty cổ phần, Tổng Công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình mỗi vụ sản xuất từ 50-100 ha lúa giống và lúa thương phẩm.
Cái lợi rõ nét nhất của hình thức sản xuất này là nông dân sản xuất tập trung hơn nên thuận lợi trong việc ứng dụng KHCN, hạn chế sâu bệnh và đẩy mạnh được cơ giới hóa, qua đó giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo số lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Nông sản được doanh nghiệp tiêu thụ không còn bị tư thương ép giá, không còn tình trạng "được mùa mất giá và được giá mất mùa". Lượng lúa hàng hóa tăng, chất lượng đảm bảo, bán được giá cao hơn. Nông dân nhàn hơn, lợi nhuận cao hơn nên gắn bó với đồng ruộng.
Như vậy có thể thấy rằng cánh đồng lớn đồng nhất về giống sản xuất theo chuỗi liên kết tại HTX Đông Cường là cách làm mới trong sản xuất lúa, có thể là "hình mẫu" của nông nghiệp trong tương lai, góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản.
Định hình các giải pháp then chốt
Chuỗi giá trị là những hoạt động thông qua các giai đoạn sản xuất khác nhau cho đến khi phân phối đến tay người tiêu dùng cuối cùng do nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện. Chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế. Sản phẩm nông nghiệp ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa còn hướng tới xuất khẩu, do đó từng người nông dân hoặc các tổ hợp tác, hợp tác xã nhỏ lẻ không thể tự thực hiện được chuỗi sản xuất và tiêu thụ ở thị trường quốc tế.
Vì vậy, cần phải thực hiện liên kết giữa các nông hộ-tổ chức của nông dân-các doanh nghiệp thì mới có thể đủ năng lực để đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế và làm gia tăng giá trị cho chuỗi sản xuất nông nghiệp. Đây là một hướng đi đúng nhưng việc triển khai trên thực tế còn chậm và gặp một số vướng mắc.
Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Đông Cường Phạm Ngọc Vinh cho rằng: Việc xây dựng được một mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ không đơn giản, bởi số chủ hộ trong một cánh đồng vẫn còn lớn.
Vì vậy dẫn đến tình trạng khó thống nhất tất cả các hộ chung một mục đích, một phương thức sản xuất khi tham gia vào mô hình liên kết. Bên cạnh đó, nhiều khâu trong quá trình sản xuất tập trung chưa chủ động được, người nông dân còn mang nặng tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có ý thức tuân thủ hợp đồng…
Do đó, để mô hình thành công rất cần sự vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được tính ưu việt của mô hình cũng như dần có những thay đổi trong tập quán canh tác.
Theo ông Phạm Văn Bách, Bí thư xã Khánh Thành, (huyện Yên Khánh) việc tái cơ cấu nông nghiệp, liên kết trong sản xuất ở Khánh Thành đã làm nhiều năm nay, tuy nhiên chưa có sự chỉ đạo tập trung. Nhiều chương trình hợp tác đã phát huy hiệu quả nhất định, nhưng vẫn còn không ít hạn chế.
Nguyên nhân là do chưa có một cơ chế pháp lý rõ ràng và một mô hình chỉ đạo, điều phối liên kết thật sự hiệu quả. Việc liên kết mới chủ yếu dựa vào "mối quan hệ tốt đẹp" giữa các HTX với doanh nghiệp, giữa nông dân với nông dân, thiếu ràng buộc trách nhiệm pháp lý nên hiệu quả chưa cao.
Ông Vũ Văn Nga, Giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình cho rằng: Doanh nghiệp, HTX phải là con chim đầu đàn trong việc liên kết sản xuất và đi tìm thị trường tiêu thụ. Mặc dù doanh nghiệp rất tâm huyết nhưng cũng gặp không ít những khó khăn. Thời gian tới, Nhà nước cần mạnh dạn điều chỉnh lại một số chính sách liên quan đến tích tụ ruộng đất, chính sách cho doanh nghiệp, các ưu đãi tín dụng phải dài hơi hơn và phải nâng tầm quản trị HTX… để thực hiện thành công chuỗi giá trị này.
Được biết, thời gian tới Sở Nông nghiệp & PTNT sẽ tiến hành rà soát, ban hành các chính sách nhằm đẩy mạnh mối liên kết giữa người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, giống lúa; vùng rau, màu, hoa quả, dược liệu; vùng ruộng trũng 1 lúa - 1 cá…
Đồng thời có chiến lược quảng bá, giới thiệu về ưu điểm của vùng, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm nông nghiệp cho các nhà đầu tư thấy rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương để thu hút vốn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp hơn nữa.
Ngoài ra cần tăng cường phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học (Viện rau, Viện cây lương thực, Viện chăn nuôi…) hướng dẫn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp các hộ xã viên ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm.
Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trong việc giám sát ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tránh việc hai bên phá vỡ hợp đồng và cam kết cung ứng, tiêu thụ trong sản xuất. Giám sát chặt chẽ chất lượng thị trường vật tư nông nghiệp và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Hà Phương