Tích cực tạo sự lan tỏa văn hóa đọc, hoạt động của Câu lạc bộ sách Trường THPT Yên Mô B thường xoay quanh việc khuyến khích đọc sách, chia sẻ quan điểm và tạo môi trường kết nối giữa những người yêu thích sách như: Viết cảm nhận, giới thiệu sách đăng trên fanpage Câu lạc bộ của nhà trường; giúp cô phụ trách Thư viện xử lý sách khi nhà trường bổ sung sách mới hàng năm, nhằm bồi dưỡng thêm nghiệp vụ thư viện cho thành viên Câu lạc bộ hiểu về ngành nghề; mỗi tuần hoặc tháng, câu lạc bộ chọn một cuốn sách để tất cả các thành viên cùng đọc, sau đó họp lại để thảo luận, chia sẻ phân tích nhân vật, chủ đề; các thành viên có thể giới thiệu những cuốn sách họ yêu thích, cùng chia sẻ lý do vì sao nên đọc cuốn đó; tổ chức “Ngày hội sách”, quyên góp sách cho thư viện hoặc các vùng dân tộc, vùng cao, biển đảo khó khăn.
Em Đỗ Ngọc Diệp, lớp 11A6, Trường THPT Yên Mô B, thành viên Câu lạc bộ sách phấn khởi cho biết: Sau khi Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai, học sinh chúng em được nghỉ nhiều vào những buổi chiều và ngày cuối tuần và tăng sự tự học của học sinh. Từ đó, em đã áp dụng các phương pháp học của bản thân, lên thư viện tìm mượn các cuốn sách tham khảo, nâng cao về các môn Toán, Văn, tiếng Anh; tìm thêm những cuốn sách về lý luận văn học, bình giảng, kiến thức về lịch sử, văn hóa để trau dồi kiến thức bản thân, kỹ năng của bản thân về phản biện, kỹ năng suy nghĩ logic; tích cực truy cập tài khoản online để tự đọc ở nhà.
Bên cạnh đó, em tham gia Câu lạc bộ sách nhà trường và Cuộc thi đại sứ văn hóa đọc, cùng nhà trường và các thành viên Câu lạc bộ sách tạo sức lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc trong học sinh.
Cô giáo An Thị Quế, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Mô B cho biết: Khi trường xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, nhà trường rất quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất, các hoạt động thư viện đảm bảo theo đúng quy định thư viện đạt chuẩn theo Thông tư 16/2022/ TT-BGDĐT.
Những tiết đọc, những tiết dạy trên thư viện được thầy cô giáo quan tâm xây dựng; học sinh thực hiện theo nếp mượn-trả sách; tổ chức cuộc thi giới thiệu sách hay; tổ chức đổi sách lấy cây; tổ chức cuộc thi vẽ tranh theo bìa sách; tổ chức mini game để khuyến khích bạn đọc tới thư viện; tổ chức cuộc thi đại sứ văn hoá đọc; tổ chức các cuộc thi vẽ tranh các tác phẩm văn học; cùng với các hoạt động về đọc sách tủ sách học đường, trao đổi sách, thuyết trình về sách; thường xuyên tổ chức các hoạt động điểm sách, giới thiệu sách thông qua các cuộc thi, xếp sách nghệ thuật, bài tuyên truyền, bảng tin... bằng nhiều hình thức offline và online trên fanpage facebook “Thư viện Trường THPT Yên Mô B”.
Tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm vào các ngày lễ lớn và Ngày Sách và Văn hóa đọc hàng năm 21/4. Phối hợp với Thư viện tỉnh Ninh Bình tổ chức ngày hội đọc sách hằng năm. Thư viện có 7.654 bản sách; trung bình 6.1 bản sách/1 học sinh; đảm bảo đủ nhu cầu mỗi giáo viên có 1 bộ sách theo bộ môn giảng dạy.
Trong 4 năm học gần đây, Trường THPT Yên Mô B có nhiều học sinh đạt giải quốc gia và nhiều học sinh đạt giải tỉnh và nhiều năm đạt giải tập thể trường có nhiều học sinh đạt giải cao trong cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc. Với mục tiêu giúp học sinh tiểu học thư giãn sau giờ học căng thẳng, vừa giúp các em xây dựng thói quen, kỹ năng đọc sách, từ năm học 2019-2020, mô hình thư viện thân thiện Room to Read được bắt đầu triển khai thí điểm ở một số trường tiểu học trong tỉnh.
Thư viện thân thiện được xây dựng từ cách bài trí kệ sách, tạo không gian để học sinh tham gia các hoạt động; được nhà trường bố trí khoa học, có góc tra cứu, góc vẽ, trò chơi, các giá sách có nhiều chủng loại và sắp xếp bài bản, ngăn nắp; bố trí thời gian theo lớp, theo tiết học để tham gia đọc và trao đổi sách, các hoạt động tại thư viện; Được bố trí các góc hoạt động khác nhau như góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, góc tra cứu, góc sáng tạo; có đủ không gian để học sinh tham gia vào các hoạt động cá nhân, cặp đôi, nhóm... Từ khi thư viện hoạt động, học sinh trong trường rất hứng thú được tham gia các hoạt động, phong trào đọc sách của học sinh tăng lên.
Cô giáo Bùi Anh Thơ, Trường Tiểu học Ninh An (thành phố Hoa Lư) cho biết: Thư viện thân thiện Room to Read có nhiều khác biệt rõ nét với thư viện truyền thống như được sắp xếp theo hướng mở, thân thiện, tạo điều kiện cho các em tiếp cận sách dễ dàng, phù hợp với sở thích và khả năng đọc. Trong tiết đọc thư viện, học sinh được tham gia rất nhiều hoạt động mở rộng, vẽ về nhân vật trong truyện, đóng vai, làm thơ, viết cảm nhận... Thư viện có trên 1.000 cuốn sách và 300 cuốn sách luân chuyển từ Thư viện tỉnh, thuận lợi cho học sinh được chọn sách, mượn theo sách phù hợp với lứa tuổi.
Hiện nay, toàn tỉnh có 94 trường Tiểu học tổ chức hoạt động Thư viện thân thiện theo mô hình Room to Read; 117 thư viện cấp THCS đạt chuẩn trở lên (đạt chuẩn/tiên tiến/ xuất sắc) theo quy định cũ và theo Thông tư 16, đến hết năm học 2023- 2024 có 2 thư viện đạt chuẩn mức độ 1 và 11 thư viện đạt chuẩn mức độ 2; cấp THPT có 22 thư viện đạt chuẩn trở lên theo Thông tư cũ và 12 thư viện được công nhận theo Thông tư 16; cấp Giáo dục thường xuyên có 5 thư viện đạt chuẩn. Việc chuẩn hóa thư viện đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa đọc, nâng chất lượng giáo dục của tỉnh toàn diện, vững chắc nhiều năm qua.