Ngoài phần mềm lưu trữ dung lượng kiến thức lớn, bạn đọc còn có thể vào mạng tìm kiếm những kiến thức mới nhất của nhân loại. Bên cạnh đó, Thư viện điện tử còn giúp bạn đọc nâng cao khả năng tin học hiện đại. Thư viện điện tử đã thực sự mang cả thế giới đến với bạn đọc và đây cũng là thư viện mẫu cho các tỉnh trong cả nước về học tập.
Được biết, mô hình Thư viện điện tử đã được Ban Giám đốc Thư viện tỉnh "ấp ủ" từ lâu nhưng đến nay mới thành công nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Khoa học và công nghệ thông tin Quốc gia. Đến với Thư viện điện tử, bạn đọc không còn phải vất vả với việc tìm kiếm đầu sách, tìm kiếm nơi lưu trữ. Thư viện cũng sẽ không mất nhiều không gian để lưu trữ tài liệu. Thư viện điện tử là kho tra cứu bách khoa, bao gồm bộ máy tra cứu và kho tài liệu gốc được số hóa và phân loại theo khung phân loại thập phân Dewey (DDC), bao gồm các vấn đề triết học, tâm lý học, tôn giáo, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế, luật học, giáo dục, ngôn ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, y học, nông - lâm - ngư nghiệp, văn hóa, nghệ thuật, văn học, địa lý, lịch sử…
Thư viện điện tử sử dụng các phương tiện điện tử trong thu nhập, lưu trữ, xử lý, tìm kiếm và phổ biến thông tin. Chính vì thế, so với thư viện truyền thống. Thư viện điện tử có thiên hướng sử dụng linh hoạt và phổ biến các nguồn tin điện tử, nhưng đồng thời cũng tham gia vào việc tạo ra các nguồn tin đó. Từ đó, giúp cho người đọc tiếp cận đầy đủ thông tin ở mọi nơi và mọi lúc. Ưu điểm của Thư viện điện tử là: Sưu tập, bổ sung nhanh hơn với sự kiểm soát về chất lượng tốt hơn, chức năng tìm kiếm được cải thiện, truy cập nhanh tới thông tin tìm được, người sử dụng được tự do hơn, tránh qua nhiều khâu như thư viện truyền thống.
Chị Vũ Thị Phương, cán bộ Thư viện tỉnh cho biết: Bạn đọc khi đến Thư viện điện tử lần đầu sẽ được nhân viên Thư viện hướng dẫn cách tra cứu đơn giản. Tại cửa sổ chính của chương trình "Thư viện KCN Ninh Bình", bấm nút "Tìm tin", bạn đọc có cửa sổ tìm kiếm tài liệu và có thể tìm theo các dấu hiệu ở trên (tên tài liệu, tên tác giả, dạng tài liệu…). Ví dụ, cần tìm tài liệu "Trồng hoa phong lan", chọn trường tên tài liệu vào mục "Nhập giá trị tìm" nhập: %trồng%hoa%phong%lan%; bấm nút "Tìm tin", sau đó chọn tài liệu cần xem tại "Kết quả tìm", bấm "Xem tài liệu gốc".
Hiện nay, Thư viện điện tử của tỉnh đã có 10 máy, được cài đặt phần mềm lưu trữ thông tin với dung lượng lớn trên 8 vạn tên sách, bạn đọc ngoài việc đọc những thông tin mình cần còn có thể xem hình ảnh minh họa, copy tài liệu dễ dàng, đơn giản. Đặc biệt, Thư viện điện tử sẽ là loại hình thư viện đắc lực phục vụ các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà hoạt động chính trị - xã hội… vì số lượng đầu sách của lĩnh vực khoa học, chính trị… rất lớn, đa dạng. Tuy mới khai trương nhưng mỗi ngày Thư viện phục vụ trên 50 lượt độc giả đến tra cứu tài liệu.
Em Nguyễn Thị Mai, học sinh lớn 11 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy cho biết: Từ khi có Thư viện điện tử, em và các bạn rất chăm chỉ đến đây để tìm tài liệu phục vụ cho học tập. Tài liệu tra cứu trên Thư viện điện tử là tài liệu gốc, chính thống, có cơ sở để tin tưởng khi áp dụng vào học tập chứ không như tài liệu tra cứu trên mạng, nhiều khi không phân biệt được đâu là tài liệu chuẩn".
Tuy nhiên, để Thư viện điện tử phục vụ người đọc theo đúng chức năng và sự tiện ích của nó thì cần phải có một hệ thống trang thiết bị máy tính đồng bộ, có bộ vi xử lý cực mạnh, bộ nhớ và khối lượng lưu trữ trong ổ cứng lớn. Trong quá trình sử dụng, thông tin phải thường xuyên được cập nhật, công nghệ mới phải được đầu tư kịp thời. Chị Nguyễn Thu Hà cho biết thêm: Hiện nay Thư viện điện tử đi vào hoạt động rất tốt. Song, lượng thông tin về tỉnh Ninh Bình chưa nhiều, vì vậy Thư viện tỉnh cần phải được trang bị một máy quét và máy chiếu để có thể cập nhật thêm các thông tin địa phương, làm phong phú thêm kho tàng kiến thức của Thư viện, phục vụ người đọc Ninh Bình ngày một tốt hơn.
Nguyễn Thơm