Báo cáo tình hình, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, cả nước đã ghi nhận 3.569 ca mắc sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố và số ca ở Hà Nội chiếm 37%. Trong số 119 ca tử vong liên quan đến sởi thì 54 trường hợp xảy ra tại thủ đô.
Tuy nhiên, theo bà Tiến, gần một tuần qua, tình hình dịch đã có chiều hướng giảm trên cả ba tiêu chí: số ca mắc, số ca tử vong lẫn số ca nhập viện. Dù vậy, vẫn còn một số ca nặng chưa rõ liệu có qua khỏi.
Lãnh đạo Bộ cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục tuyên truyền vì khâu này hiện còn yếu khiến người dân hoang mang và việc phân tuyến cần triệt để hơn nữa.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định, các bệnh viện của thành phố sẵn sàng đón bệnh nhân ở các bệnh viện trung ương, kể cả của bệnh viện Nhi. Nhưng Bộ Y tế cần cử các cán bộ tuyến trung ương hỗ trợ cho hệ thống bệnh viện Hà Nội trong cấp cứu bệnh nhân sởi, như bệnh viện Nhi hỗ trợ cho Saint Paul, Bạch Mai hỗ trợ cho Thanh Nhàn, bệnh viện Nhiệt Đới trợ giúp cho Đống Đa.
Theo ông Khanh, hiện Hà Nội vẫn còn 766 bệnh nhân sởi với triệu chứng sốt phát ban, trong đó hơn 500 người nằm viện. Nhờ tuyên truyền mạnh nên mấy ngày gần đây số lượng phụ huynh đưa con đi tiêm vacxin tăng mạnh. "Có ngày số người xếp hàng lên đến cả nghìn trường hợp", ông Khanh nói.
Cho rằng dịch sởi có dấu hiệu giảm nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn đề nghị Bộ Y tế và các địa phương, nhất là Hà Nội, TP HCM phải phối hợp chặt chẽ, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, đặc biệt "không để lây chéo sởi".
Theo người đứng đầu Chính phủ, tuyến tỉnh, huyện hoàn toàn đủ khả năng đối phó, điều trị bệnh sởi nên cần tập trung chỉ đạo, tuyên truyền cho tốt. "Vừa rồi bắt đầu có chuyển biến, bệnh nhân không dồn một chỗ quá đông. Điều này sẽ hạn chế lây chéo. Để lây chéo sởi thì nguy cơ tử vong cao, bệnh nặng thêm", Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu ngành y tế và các địa phương quyết tâm dập tắt sởi sớm vì tính ra dịch đã kéo dài 4 tháng. "Chúng ta hoàn toàn đảm bảo tốt để đạt 3 yêu cầu: kinh phí, thuốc men, phương tiện (máy thở). Đủ thuốc, vacxin tốt rồi nhưng phải tuyên truyền để dân thấy được lợi ích của tiêm phòng. Tới giờ này tỷ lệ tiêm phòng mới có 63,5% là thấp quá", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá lại công tác chống dịch thời gian qua, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra hạn chế có cả công tác chỉ đạo, điều hành. "Các đồng chí rút kinh nghiệm trong chỉ đạo. Bây giờ theo dõi tình hình dịch bệnh phải kịp thời, đánh giá đúng mức, chỉ đạo hiệu quả", ông nói.
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vừa qua nếu chỉ đạo tốt, tập trung, đúng mức, cùng với tuyên truyền vận động tốt thì sẽ ngăn ngừa được vì người dân sẽ đi tiêm chủng cao hơn, sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc. "Nếu tuyên truyền tốt, chỉ đạo tốt, thì không có chuyện dồn lên một chỗ, tạo ra lây chéo", Thủ tướng khẳng định.
Theo VNE