Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Hội nghị do Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức, được kết nối tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và gần 11.000 điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên cả nước, với 130.700 đại biểu tham dự.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình. Dự hội nghị có các đồng chí thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh; lãnh đạo một số sở có liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Đề án 06. Trong 6 tháng đầu năm, Đề án 06 đã được triển khai từ trung ương đến cơ sở, thu được những kết quả bước đầu tích cực; được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 21/89 nhiệm vụ; các địa phương hoàn thành 4/13 nhiệm vụ và 1/8 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu trên môi trường điện tử, đạt kết quả tích cực. Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Đến ngày 31/7/2022, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức đối với một số cơ sở dữ liệu của 11 Bộ, ngành. Đã cấp 7.837 tài khoản định danh điện tử cho công dân; cấp trên 67 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử; sử dụng thẻ căn cước tích hợp thông tin thẻ BHXH phục vụ người dân đi khám bệnh tại các cơ sở y tế, có 53,1% cơ sở y tế thực hiện; triển khai thí điểm xác thực danh tính qua thẻ căn cước công dân tại các quầy giao dịch của 5 ngân hàng. Đưa ứng dụng VneID là ứng dụng công dân số quốc gia…
Đối với tỉnh Ninh Bình, trong 6 tháng triển khai Đề án 06, tỉnh Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ bản 25 dịch vụ công thiết yếu trên môi trường điện tử, trong đó Công an tỉnh chủ trì triển khai thực hiện 11 dịch vụ; các sở, ngành: Tư pháp, Giao thông vận tải, BHXH, Lao động, Thương binh và xã hội, Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện 14 dịch vụ.
Về nhóm phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ 5 nhóm tiện ích, Ninh Bình đã cấp 69.851 tài khoản định danh điện tử, tích hợp giấy tờ, bằng lái xe, BHYT vào tài khoản định danh tiện tử; có 57 cơ sở khám, chữa bệnh đồng bộ dữ liệu được 397.362 dữ liệu BHYT và căn cước công dân; đã có 1.207 trường hợp khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân…
Tham luận của các đại biểu tại hội nghị thống nhất đánh giá Đề án 06 đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai thực hiện, bước đầu đạt kết quả tích cực. Đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ nhằm triển khai hiệu quả Đề án tại các Bộ, ngành, địa phương đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Việc triển khai Đề án 06 nhằm triển khai 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Việc triển khai Đề án hoàn toàn đúng đắn, đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, cụ thể, thiết thực, rất đáng trân trọng.
Nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số quốc gia, trong đó có việc thực hiện Đề án 06 ngày càng đầy đủ, toàn diện, sâu sắc. Người dân, doanh nghiệp dần nhận thấy những tiện ích do chuyển đổi số mang lại.
Bên cạnh tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí của người dân, việc thực hiện Đề án góp phần từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp, hạn chế tiếp xúc, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, "tham nhũng vặt" theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Công tác đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, bảo vệ bí mật cá nhân cũng được quan tâm, chú trọng hơn. Qua kiểm tra đã chỉ rõ và khắc phục được nhiều sơ hở, thiếu sót, các lỗ hổng bảo mật, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn…
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thực hiện Đề án là việc lớn của đất nước, của nhân dân, thống nhất tư tưởng làm, không làm hình thức. Để triển khai thành công Đề án, tạo sức lan tỏa cao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới cần: Liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược để vừa triển khai các nhiệm vụ trước mắt, vừa hướng tới mục tiêu lâu dài, để tránh lãng phí nguồn lực.
Phát huy tính chủ động, tính sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển chuyển đổi số, trong đó có thực hiện Đề án 06.
Phải triển khai bằng được hệ sinh thái công dân số để người dân, doanh nghiệp hiểu, sử dụng, làm giàu thông tin, là bộ phận không thể tách rời trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân.
Việc sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu phải thiết thực, hiệu quả, có tính kết nối, liên thông, chia sẻ cao, phục vụ cho việc phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số, văn minh, hiện đại, công khai, minh bạch, phát triển ngang tầm với vị thế của Quốc gia, phù hợp với xu thế của thời đại.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Khen thưởng, động viên kịp thời và nghiêm minh xử lý vi phạm. Hài hòa lợi ích của người dân, triển khai nhân văn, tạo sự đồng thuận xã hội.
Thực hiện phương châm "đúng, đủ, sạch, sống" trong thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, đề nghị các cơ quan nghiên cứu thêm trên quan điểm thuận lợi, công khai, minh bạch, đồng thuận xã hội, đảm bảo được an ninh, an toàn cho người dân.
Công tác chỉ đạo, điều hành với tinh thần quyết liệt vào cuộc, không cầu toàn, không được nóng vội, kịp thời, hiệu quả, tạo sự lan tỏa, ủng hộ của nhân dân. Cần sớm xây dựng hệ thống theo dõi đánh giá, giám sát thực hiện Đề án. Hoàn thiện thể chế trong thực hiện Đề án. Tập trung chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm đột phá đã xác định từ nay đến hết năm 2022.
Tăng cường công tác truyền thông sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về sử dụng dịch vụ công trực tuyến với phương châm "cán bộ đi trước, làng nước theo sau".
Văn phòng Chính phủ nghiên cứu tham mưu tỷ lệ phần trăm dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia để góp phần thúc đẩy thực hiện. Đẩy mạnh tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các nền tảng cơ sở dữ liệu trong thực hiện Đề án. Phải giải quyết sớm, dứt điểm tài khoản điện thoại không chính chủ, làm sạch sim rác; tạo tài khoản an sinh xã hội để phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp thiên tai, bệnh dịch qua tài khoản.
Các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch đưa dịch vụ tiện ích lên hệ thống ứng dụng công dân số VneID. Thành lập các Tổ công tác kiểm tra các địa phương triển khai Đề án…
Hồng Vân-Minh Quang