Vốn là người thích chăn nuôi, từ năm 2000, ông Sinh đã mua 5 con lợn nái siêu nạc về nuôi thử, thời gian đó, gia đình ông vẫn chăn nuôi theo kiểu truyền thống nên mỗi năm trừ chi phí thu được khoảng 15-20 triệu đồng. Sau nhiều năm quen với việc nuôi lợn nái ngoại, ông Sinh nhận thấy lợn nái siêu nạc là con dễ nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao, nên khi Nhà nước có chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại, ông Sinh quyết định đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lớn.
Trong quá trình nuôi, ông đã đi học hỏi kinh nghiệm ở các trang trại lớn và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT do các cấp, các ngành tổ chức.
Ông suy nghĩ, để tồn tại và phát triển lâu dài thì phải chăn nuôi theo hướng bền vững. Quan trọng nhất khi chăn nuôi là phải tiêm vắc xin phòng trừ dịch bệnh, quy trình nuôi phải đảm bảo khoa học thì vật nuôi mới sinh trưởng nhanh.
Vì vậy, khi bắt tay vào làm trang trại với quy mô lớn, ông luôn quan tâm xây dựng chuồng trại phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật thoát nước, chống nóng, hệ thống cung cấp nước sạch, xử lý chất thải để bảo vệ môi trường; quan tâm đến chất lượng con giống, thức ăn, phòng trị bệnh, không lạm dụng kháng sinh…
Hiện nay, gia đình ông Sinh đang có trên 100 con lợn nái ngoại, hàng năm xuất bán ra thị trường gần 2.000 con lợn giống, trừ chi phí thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Không chỉ làm giàu cho mình, gia đình ông còn giúp đỡ về giống và tư vấn kỹ thuật cho các hộ nông dân khác để phát triển kinh tế.
Trong 2 năm qua, ông Sinh đã giúp đỡ 2 hộ vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập khá. Bên cạnh đó, ông còn vận động các hộ chăn nuôi trong xã liên kết với nhau thành tổ hợp để chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau trong quá trình sản xuất.
Năm 2014, được các cấp Hội nông dân vận động, hướng dẫn, ông Sinh đã đứng ra làm sáng lập viên thành lập Tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm xã Khánh Thành, được các thành viên tín nhiệm phân công làm Tổ trưởng. Ban đầu thành lập, Tổ hợp tác có 27 thành viên, đến nay đã có 45 thành viên.
Trên cương vị là Tổ trưởng Tổ hợp tác, ông Sinh luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa các thành viên để chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT, giúp đỡ nhau về lao động, tiêu thụ sản phẩm, ký kết các hợp đồng cung ứng con giống, vật tư, nguyên liệu nhằm giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho các hộ.
Gia đình ông và các hộ trong Tổ hợp tác cũng đã ký cam kết thực hiện Cuộc vận động "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn".
Mong muốn của ông Phạm Văn Sinh là được thuê đất lâu dài và được tham gia nhiều lớp tập huấn cho nông dân về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, chuyển giao tiến bộ khoa học để nông dân ứng dụng vào sản xuất, làm giàu cho gia đình và cho quê hương.
Khải Hoàn