Nhiều nguồn thu đạt khá và có tỷ lệ tăng trưởng cao so với cùng kỳ là: Thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thu tiền thuê mặt đất, mặt nước; thuế thu nhập cá nhân; xổ số kiến thiết; thu cấp quyền khai thác khoáng sản và thu khác ngân sách. Hầu hết các đơn vị thu đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ; riêng nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách, nhiều đơn vị đạt tiến độ thu khá: Thành phố Ninh Bình, huyện Yên Mô, huyện Nho Quan đã đạt trên 100% dự toán được giao.
Nguồn thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh toàn tỉnh đạt 85% dự toán, tăng 19% so với cùng kỳ, có 6 đơn vị thu có mức tăng trưởng cao: Thành phố Tam Điệp, tăng 18%; Yên Mô tăng 49%; Yên Khánh tăng 60%; Kim Sơn tăng 32%; Gia Viễn tăng 7% và cơ quan Cục Thuế tăng 22% so với cùng kỳ.
Nguồn thu tiền sử dụng đất có 5 đơn vị là huyện Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn, Hoa Lư và Nho Quan đã hoàn thành dự toán; đơn vị khác số thu còn đạt thấp.
Riêng cơ quan Cục Thuế đảm nhiệm số thu thuế phí lớn, với dự toán giao là 2.452 tỷ đồng, 11 tháng qua đã thu được 1.886 tỷ đồng, đạt 85% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ chính trị được giao, Cục Thuế Ninh Bình đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Theo đó, tập trung cao nhất cho nhiệm vụ thu ngân sách. Toàn ngành đang nỗ lực cao cho chặng "về đích"; khai thác triệt để các nguồn thu, hoàn thành cao nhất chỉ tiêu phấn đấu tỉnh giao.
Các đơn vị thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ và tinh thần công văn số 3686/CT-THNVDT ngày 6/11/2017 của Cục Thuế tỉnh Ninh Bình về việc đẩy mạnh thu NSNN cuối năm 2017, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu NSNN năm 2017. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 2773/KH-CT ngày 14/8/2017 của Cục Thuế tỉnh Ninh Bình về chống thất thu và chấn chỉnh công tác quản lý khoán thuế đối với cơ sở kinh doanh.
Đẩy mạnh và nâng cao công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế theo phương thức hiện đại, đảm bảo hình thức đa dạng, với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện; kết hợp với lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người nộp thuế để giải đáp những khó khăn, vướng mắc kịp thời, hiệu quả.
Kiểm soát chặt chẽ hồ sơ khai thuế, nâng cao chất lượng kiểm soát hồ sơ hoàn thuế, số thuế khấu trừ, miễn, giảm. Giám sát chặt chẽ các đơn vị khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh, các đơn vị có hoạt động xây dựng cơ bản đang thực hiện dự án, đảm bảo kê khai kịp thời thuế GTGT phát sinh nộp vào NSNN.
Nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình kê khai thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp; gắn công tác kiểm tra hồ sơ khai thuế với kiểm tra việc thông báo quản lý phát hành và sử dụng hóa đơn của người nộp thuế để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, gian lận, khai sai thuế, thiếu thuế...; lập danh sách doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in thuộc loại rủi ro cao về thuế phải chuyển sang mua hóa đơn của cơ quan Thuế. Phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước phản ánh kịp thời các nguồn thu vào NSNN.
Đẩy mạnh công tác quản lý và thu nợ thuế: Tiếp tục đôn đốc người nộp thuế nộp số thuế còn nợ vào ngân sách Nhà nước. Thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ: Phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, Ban quản lý dự án, Kho bạc, Ngân hàng, các đơn vị có liên quan và UBND các phường, xã, thị trấn thu tiền nợ thuế thông qua giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Phối hợp với đoàn chống thất thu các huyện, thành phố đôn đốc thu nợ đạt hiệu quả cao.
Tiếp tục đôn đốc, lựa chọn để áp dụng các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản tiền gửi và thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với những doanh nghiệp có số tiền thuế nợ trên 90 ngày theo đúng hướng dẫn của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn về cưỡng chế nợ thuế.
Tiếp tục công khai số nộp, số nợ của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ cố tình chây ỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đẩy mạnh công tác theo dõi, hướng dẫn tình hình áp dụng phần mềm TMS tại Chi cục Thuế các huyện, thành phố. Từng cán bộ được phân công tiếp tục làm tốt công tác theo dõi, hướng dẫn công tác quản lý nợ của các Chi cục Thuế.
Phấn đấu đến 31/12/2017, tỷ lệ tổng số nợ thuế có khả năng thu trên tổng số thu năm 2017 do ngành Thuế quản lý không vượt quá 5%.
Công tác quản lý các khoản thu từ đất: Phối hợp với các sở, ngành xác định đơn giá thuê đất, tiền sử dụng đất đối với các đơn vị thuê đất mới và các đơn vị đến thời hạn điều chỉnh lại đơn giá thuê đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đôn đốc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất phi nông nghiệp còn nợ đọng nộp vào NSNN. Phối hợp với các ngành, các cơ quan có liên quan xây dựng giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất ở các huyện, thành phố.
Công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm tra nội bộ: Tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách ở tất cả các thành phần kinh tế, phấn đấu hoàn thành kế hoạch Tổng cục Thuế giao và đạt mức tối thiểu số doanh nghiệp đang hoạt động thuộc địa bàn quản lý thuế vào diện thanh tra, kiểm tra theo quy định.
Thực hiện tuân thủ đúng quy trình thanh tra thuế theo Quyết định số 1404/QĐ-TCT ngày 28/7/2015, Quy trình kiểm tra thuế theo Quyết định số 746/QĐ-TCT ngày 20/4/2015 của Tổng cục Thuế và hướng dẫn tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính.
Tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra nội bộ, triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TCT ngày 21/6/2016 của Tổng cục Thuế về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh thái độ, tác phong ứng xử của công chức thuế và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.
Triển khai có hiệu quả, thiết thực phong trào thi đua trong tháng cuối năm trên cơ sở giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ theo từng tuần, từng tháng kèm theo việc theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, nhằm động viên, khuyến khích kịp thời tinh thần phấn đấu, quyết tâm của cả đội ngũ, tạo động lực mạnh mẽ để toàn ngành Thuế hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bài, ảnh: Mạnh Huy