THU HÚT ĐẦU TƯ FDI ĐANG DỊCH CHUYỂN TỪ LƯỢNG SANG CHẤT
Tình hình thu hút đầu tư nói chung và thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh Ninh Bình trong những năm qua diễn ra trong bối cảnh những khó khăn và thách thức đều lớn hơn so với dự báo. Nguyên nhân chủ yếu là tác động tiêu cực do suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như chính sách thắt chặt kinh tế vĩ mô, tài chính tiền tệ của Chính phủ.
Nhìn nhận lại cả quá trình thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình, ông Đặng Thái Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Từ trước năm 2005, Ninh Bình chỉ thu hút được 13 dự án FDI với tổng vốn đạt trên 88 triệu USD. Mặc dù tỉnh đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, song đến nay chỉ còn Nhà máy sản xuất may mặc Tech Textile của Công ty TNHH Tech Textile hoạt động nhưng hiệu quả sản xuất, kinh doanh không thực sự cao.
Sở dĩ hoạt động của các doanh nghiệp không như mong muốn bởi thời kỳ đầu khi đất nước mở cửa hội nhập kinh tế, điều kiện nhìn chung còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng, xã hội hạn chế, các chính sách thu hút đầu tư còn chưa thực sự thông thoáng, trong khi đó, năng lực doanh nghiệp FDI thấp.
Từ năm 2006 đến nay, khi Luật Đầu tư năm 2005 chính thức có hiệu lực, hoạt động xúc tiến đầu tư FDI của tỉnh Ninh Bình có nhiều khởi sắc. Tỉnh đã có những cách làm mới, sáng tạo trong xúc tiến và thu hút đầu tư. Đánh dấu mốc trong bước tiến thu hút đầu tư của tỉnh là năm 2012, tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với quan điểm chủ đạo, xuyên suốt là "Ninh Bình - Hội nhập và phát triển bền vững" để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư của tỉnh tới đông đảo các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Đồng thời UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 28/2012/QĐ-UBND ngày 23/11/2012 quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trong đó đề cập đến nhiều nội dung chủ yếu như: Giải quyết thủ tục hành chính, ưu đãi cho thuê đất, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao... Đây được xem là tiền đề quan trọng để Ninh Bình xây dựng và triển khai các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Đặc biệt, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp, do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng xác định song song với phát triển du lịch, dịch vụ thì ngành sản xuất công nghiệp sẽ tập trung vào công nghiệp sản xuất ô tô và công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, công nghệ sạch...
Với việc triển khai hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ cũng như của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tạo hành lang thông thoáng, an toàn cho doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh đã phát huy hiệu quả tốt, tỉnh Ninh Bình đã nhận được sự quan tâm rất lớn của nhiều nhà đầu tư về khảo sát và tìm hiểu cơ hội cũng như tiến hành đăng ký đầu tư.
Từ sự nỗ lực đó, công tác thu hút vốn đầu tư FDI đã có những bước phát triển vượt bậc. Tính đến thời điểm 2009, toàn tỉnh có 24 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 519 triệu USD, đến tháng 10 năm 2019 toàn tỉnh đã có 69 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 1.300 triệu USD.
Các dự án đầu tư được triển khai thực hiện và đi vào sản xuất ổn định, góp phần quan trọng cho quá trình tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian qua. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đạt 454 triệu USD, ước tính đến hết năm sẽ đạt 1.045 triệu USD; giá trị xuất khẩu đạt 771 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước 4,5 triệu USD, ước tính cả năm khối doanh nghiệp FDI nộp ngân sách khoảng 6,8 triệu USD. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho 52.638 lao động địa phương.
Kết quả trên cho thấy, hoạt động đầu tư nước ngoài tại Ninh Bình đang ngày càng sôi động, nhiều doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào tỉnh. Đặc biệt là Ninh Bình có chính sách ưu đãi để tập trung thu hút các doanh nghiệp FDI lớn, công nghệ cao, có vai trò dẫn dắt đầu tư. Nhiều nhà đầu tư chiến lược đã "dừng chân" tại Ninh Bình.
Đơn cử như việc nhà máy sản xuất và lắp ráp xe ô tô tải, bán tải, xe khách, xe du lịch và các loại xe chuyên dùng công suất 13.000 xe/năm của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công có vốn đầu tư 1.632,424 tỷ đồng đi vào hoạt động đã nhanh chóng thu hút các doanh nghiệp FDI với số vốn đầu tư lớn sản xuất sản phẩm phụ trợ đầu tư vào Ninh Bình như: Nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị ô tô Ninh Bình của Công ty TNHH ADM21 Hàn Quốc có vốn đầu tư 714.400 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất camera modul và linh kiện điện tử của Công ty TNHH MCNEX VINA, vốn đầu tư 1.932,67 tỷ đồng...
Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 7 dự án đầu tư nước ngoài, nâng tổng số dự án về lĩnh vực công nghiệp phụ trợ lên 19 dự án, trong đó có 9 dự án công nghiệp hỗ trợ của ngành công nghiệp ô tô.
Đại diện Công ty TNHH DNC Automotive, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc chuyên cung cấp các phụ tùng ghế ngồi cho ô tô nhận xét: Chúng tôi chọn Ninh Bình là điểm dừng chân để đầu tư bởi đây là địa phương có nhiều yếu tố thuận lợi cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Ngoài các chính sách thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ nói chung của Việt Nam và các điều kiện về địa lý thuận lợi thì Ninh Bình có nhà máy Hyundai Thành Công, có một môi trường đầu tư thông thoáng. Trong quá trình thành lập và đi vào hoạt động, Công ty cũng nhận được sự hướng dẫn tận tình của các sở, ngành liên quan để dự án thực hiện đầy đủ quy định của nhà nước Việt Nam liên quan đến công tác quản lý về xây dựng, môi trường, lao động, phòng cháy, chữa cháy...
Đánh giá về công tác thu hút vốn đầu tư FDI, đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Nếu như trước đây các dự án FDI của Ninh Bình có vốn đầu tư nhỏ, chủ yếu tập trung đầu tư vào các ngành như gia công dệt may, giầy dép... sử dụng nhiều lao động với mức lương giá rẻ thì từ năm 2012 trở lại đây tỉnh Ninh Bình xác định rõ chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh phải nằm trong định hướng chiến lược chung của cả nước, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, đảm bảo phát triển bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, tài nguyên, năng lượng.
Để đảm bảo lộ trình thu hút đầu tư đúng hướng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng danh mục dự án ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016-2020. Trong đó ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, công nghệ cao, công nghệ sạch và thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các dự án có tính đột phá, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Đó là cơ sở quan trọng để tỉnh Ninh Bình lựa chọn các dự án đầu tư nước ngoài phù hợp với những tiêu chí, yêu cầu của tỉnh và sẵn sàng từ chối các dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả.
CHUYỂN TỪ "THU HÚT ĐẦU TƯ" SANG "HỢP TÁC ĐẦU TƯ"
Nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thu hút đầu tư FDI và thể hiện tầm nhìn chiến lược mới toàn diện sâu sắc về đầu tư nước ngoài, đặc biệt là khu vực FDI trong giai đoạn hiện nay, ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết đã mang đến thông điệp: Vị thế đất nước đã thay đổi, do đó thay bằng "thu hút đầu tư", chúng ta phải chuyển sang giai đoạn "hợp tác đầu tư".
Giải quyết thủ tục hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Đức Lam
Nhiều khó khăn, bất cập
Có thể nói, Ninh Bình đang là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp FDI. Vì bên cạnh những lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào... thì Ninh Bình tạo nên sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài bởi những nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hành chính, các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư…
Công tác thu hút đầu tư của Ninh Bình trong thời gian qua diễn ra khá sôi động. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, đồng chí Hoàng Đức Long, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho rằng: Hiệu lực, hiệu quả của nguồn vốn FDI có sự giảm sút, môi trường đầu tư của tỉnh không còn đủ hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) gặp khó khăn.
Nhất là hiện nay, các tỉnh trong khu vực cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư dòng vốn FDI, chính vì vậy tính cạnh tranh đang ngày càng gay gắt. Cùng với đó, việc huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh và giao thương hàng hóa trong các giai đoạn tiếp theo, hay việc tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh… cũng đang là vấn đề đặt ra nhiều thách thức đối với tỉnh Ninh Bình.
Một thách thức chúng ta không thể không nhắc đến là vấn đề tạo lập quỹ đất nhằm phục vụ thu hút các dự án lớn, công nghệ cao. Thực tế hiện nay toàn tỉnh được phê duyệt quy hoạch 7 KCN. Đến nay đã có 5 KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy của 4 KCN là Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp I và Khánh Cư đã đạt 100% và KCN Phúc Sơn là 75,79%.
Đối với 25 Cụm công nghiệp (CCN) đã được quy hoạch hiện đã có 15 CCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 609,84 ha. Trong đó có 5 CCN là Cầu Yên, Ninh Phong, Yên Ninh, Phú Sơn, Sơn Lai có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%...
Như vậy có thể thấy đối với các KCN, CCN có vị trí thuận lợi đã nhanh chóng thu hút được các nhà đầu tư và đạt tỷ lệ lấp đầy cao, các khu, cụm công nghiệp còn lại hầu hết ở những vị trí kém thuận lợi hơn, đang khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng... nên việc mời gọi các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI chiến lược thiếu tính hấp dẫn.
Bổ sung vào những khó khăn, bất cập trong việc phát huy hiệu quả của nguồn vốn FDI, đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương nói: Mặc dù FDI có nhiều đóng góp vào nền kinh tế, làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu ngân sách...
Song ngoài việc tăng trưởng kinh tế, mục tiêu của thu hút đầu tư là các doanh nghiệp FDI sẽ giúp khối doanh nghiệp địa phương hấp thụ, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, trên thực tế các dự án FDI vẫn chủ yếu là lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị gia tăng tạo ra tại tỉnh chưa cao, sức lan tỏa về khoa học công nghệ cũng không như kỳ vọng. Đến nay chưa có doanh nghiệp nào của Ninh Bình tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp FDI đang sử dụng hàng chục nghìn lao động các địa phương trong tỉnh nhưng có một tình trạng khá phổ biến là người lao động bị mất việc, sa thải khi quá 35 tuổi... Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề an sinh xã hội, vấn đề tìm kiếm, bố trí việc làm mới cho người lao động, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn.
Cần có cách nhìn mới về thu hút đầu tư
Như vậy, sau gần 30 năm, thu hút đầu tư trực tiếp vốn nước ngoài của Ninh Bình đã đạt được những kết quả không nhỏ, song việc thu hút và quản lý hiệu quả nguồn vốn này cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: "Đây là lúc các cấp, các ngành cần đánh giá lại các dự án FDI. Đối với những dự án mang lại hậu quả xấu về lâu dài, tác hại đến môi trường, hoặc không tạo được việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương, không tạo giá trị gia tăng… thì cần xem xét lại.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nguồn lực để thu hút các dự án có tầm chiến lược phù hợp với danh mục dự án ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư mà tỉnh đã xây dựng và theo đúng tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã chỉ đạo.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Thạch nêu rõ: Trước đây khi khai thác nguồn vốn FDI, Ninh Bình cũng như cả nước chủ yếu phát triển theo số lượng, nhưng hiện nay khi Việt Nam là thành viên của tổ chức thương mại thế giới, tham gia nhiều hiệp định thương mại đa phương, song phương, vị thế của Việt Nam đã khác nên rất nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia và vùng lãnh thổ đang chuyển hướng đầu tư tại Việt Nam.
Chính vì vậy, tỉnh cần xác định vị thế của mình là đối tác bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài, có quyền lựa chọn những dự án đầu tư nào có hiệu quả cao nhất theo đúng định hướng phát triển. Nhưng ngược trở lại, các doanh nghiệp địa phương cũng cần chủ động nâng tầm về trình độ khoa học, công nghệ, giá trị sản phẩm đáp ứng chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI. Đây là biện pháp quan trọng để chúng ta có thể hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới trong giai đoạn hiện nay.
Tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã khẳng định, việc hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư, cần có chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ dựa trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện. áp dụng nguyên tắc ưu đãi đầu tư gắn với việc đáp ứng các điều kiện, cam kết cụ thể và cơ chế hậu kiểm, yêu cầu bồi hoàn khi vi phạm các cam kết; Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, để tăng cường nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào địa phương, đồng chí Đặng Thái Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đa dạng hóa nguồn lực nhằm phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, tỉnh Ninh Bình sẽ thiết lập các kênh hỗ trợ, cung cấp thông tin về thủ tục đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư vào tỉnh, đồng thời tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, duy trì và đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế như Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ (AMCHAM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Châu Âu (EUROCHAM), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Cơ quan Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA)…
Điều đó sẽ huy động tốt các nguồn lực, trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm