Chị Hào nhớ lại: vào thời điểm năm 2007, thu nhập của gia đình chị chỉ trông vào 3 sào ruộng, trong khi đó có tới 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Có những lúc các khoản đóng góp tiền học cho con, tiền sinh hoạt phí cho gia đình không thể tìm đâu ra… Hai vợ chồng chị bàn bạc xin thầu thêm ruộng hợp tác xã và đổi ruộng của anh em để thuận tiện cho việc tăng gia sản xuất. Quyết định này mang theo hy vọng thoát nghèo của cả gia đình. Với 7 sào ruộng, anh chị đào ao thả cá kết hợp chăn nuôi gà vịt, ngan với số lượng hơn 300 con. Nhưng đúng như các cụ vẫn nói, "vạn sự khởi đầu nan", mọi khó khăn dường như tập trung hết vào bước đầu khởi nghiệp của gia đình chị Hào từ mặt bằng, vốn đầu tư, kiến thức phát triển sản xuất đến đầu ra cho sản phẩm… Sau khi xin thầu thêm ruộng của HTX, nỗi lo về mặt bằng để sản xuất đã được giải quyết nhưng khó khăn hơn cả vẫn là mua con giống về chăn nuôi. Lúc này vai trò đồng hành của hội phụ nữ được thể hiện rõ nét. Chị Hào được Hội phụ nữ xã tín chấp cho vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội và được tạo điều kiện cho đi dự các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về chăn nuôi kết hợp với tham quan học tập mô hình. Cùng với đó, bản thân chị Hào cũng luôn xác định việc tự học, tự tìm tòi để áp dụng vào thực tiễn sản xuất của gia đình là việc làm thường xuyên, liên tục. Chị Hào cho biết thêm: việc cập nhật các kiến thức về kỹ thuật sản xuất, giá cả thị trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp hạn chế rất nhiều những rủi ro về dịch bệnh hoặc những khi giá cả lên xuống… Thời điểm đó, do quy mô sản xuất còn hạn chế, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên mỗi năm gia đình chị Hào chỉ thu về khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên đây cũng là sự đổi thay đáng kể, khích lệ chị Hào tiếp tục mạnh dạn đầu tư sản xuất.
Đến năm 2010, gia đình chị Hào được bình xét thoát nghèo, nhưng làm thế nào để thoát nghèo bền vững và tiếp tục chăm lo tốt việc học tập cho các con là những trăn trở thường trực trong suy nghĩ của vợ chồng chị. Với số vốn tích cóp được chị Hào mạnh dạn nuôi thêm lợn nái và lợn thịt. Thiếu vốn chị lại vay thêm của anh em, hàng xóm đồng thời chị cũng đã chủ động đến cửa hàng chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi của xã đặt vấn đề để cửa hàng cung cấp toàn bộ thức ăn chăn nuôi cho gia đình với hình thức trả chậm. Bên cạnh đó, chị Hào cũng phối hợp chặt chẽ với cán bộ thú ý của địa phương để được hướng dẫn về công tác phòng chống dịch, vệ sinh chuồng trại… Kết quả mỗi năm gia đình chị xuất chuồng trên 1 tấn lợn hơi với giá dao động theo thị trường khoảng 40 đến 45 nghìn đồng/kg, thu về từ 80-90 triệu đồng/năm. Hiện nay với mô hình trang trại rộng hơn 1 ha vừa kết hợp mô hình lúa-cá, chăn nuôi gà vịt, ngan mỗi lứa duy trì trên 1 nghìn con… thu nhập của gia đình từng bước ổn định, trừ chi phí còn lại hơn 100 triệu đồng/năm.
Từ việc phát triển được kinh tế gia đình, chị Hào có thêm điều kiện chăm lo cho các con ăn học tốt hơn. Các con của chị hiện đã và đang học tại các trường đại học, cao đẳng và có việc làm ổn định. Ngoài ra sau nhiều năm tích cóp, gia đình chị Hào đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, mua sắm được các vật dụng sinh hoạt phục vụ nhu cầu cơ bản của cuộc sống.
Đào Duy